Hội nghị bàn tròn về hợp tác kinh doanh giữa Việt Nam và Hàn Quốc

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định đối với Việt Nam, Hàn Quốc luôn có vị trí đặc biệt quan trọng dựa trên nền tảng quan hệ đối tác hợp tác chiến lược giữa hai nước.
Hội nghị bàn tròn về hợp tác kinh doanh giữa Việt Nam và Hàn Quốc ảnh 1Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại Hội nghị bàn tròn kinh tế Việt Nam-Hàn Quốc. (Nguồn: baochinhphu.vn)

Tại Hội nghị bàn tròn về hợp tác kinh doanh giữa Việt Nam và Hàn Quốc, sáng 15/6, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã khẳng định đối với Việt Nam, Hàn Quốc luôn có vị trí đặc biệt quan trọng dựa trên nền tảng quan hệ đối tác hợp tác chiến lược Việt Nam-Hàn Quốc.

Hội nghị nhằm đánh dấu một bước khởi đầu mới và giúp cho công tác nghiên cứu mối quan hệ hợp tác kinh tế giữa hai quốc gia trở nên sâu sắc hơn.


Tăng cường hợp tác Việt Nam-Hàn Quốc

Nhiều nội dung đã được các diễn giả đến từ các bộ, ngành, tổ chức, nhóm nghị sỹ, đại sứ quán, tập đoàn kinh tế trao đổi, đối thoại cởi mở tại Hội nghị. Nhiều lĩnh vực được các diễn giả đề cập với mục tiêu tạo tầm nhìn của Chính phủ Việt Nam cũng như các cơ quan hữu quan hai nước trong việc gia tăng mối quan hệ đặc thù hai nước, trong đó có cả vấn đề về kinh tế, thương mại, đầu tư, văn hóa, giao lưu nhân dân.

Các diễn giả mong muốn mối quan hệ đối tác chiến lược hai nước tiếp tục phát triển cao hơn nữa, không chỉ thúc đẩy quan hệ thương mại, kinh tế mà còn tăng cường hợp tác Quốc hội, hợp tác Chính phủ, giao lưu văn hóa, giao lưu nhân dân.

Các nhà đầu tư Hàn Quốc có thể gia tăng hợp tác trong lĩnh vực y tế, giáo dục đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu về nhân lực của nhà đầu tư Hàn Quốc và nguồn nhân lực cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Việt Nam.

Các diễn giả cũng đề cập đến một lĩnh vực rất mới là phát triển công nghiệp văn hóa (truyền thông, điện ảnh, hoạt động biểu diễn) - một ngành nghề kinh doanh mới nổi.

Các diễn giả cũng khẳng định cơ hội hợp tác đầu tư không chỉ với các tập đoàn lớn đã và đang có mặt tại Việt Nam mà còn cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Hàn Quốc. Những doanh nghiệp này vừa có công nghệ cao và có thể sử dụng lao động Việt Nam tạo ra sản phẩm chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng cả về số lượng và chất lượng của 92 triệu người dân Việt Nam và cho xuất khẩu, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghiệp thực phẩm.

Theo Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam Lee Hyuk, cần suy ngẫm một cách nghiêm túc, tìm ra phương hướng để quan hệ hai nước ngày càng phát triển toàn diện hơn nữa trong thời gian tới bằng những nỗ lực cụ thể. Vấn đề được ông Lee Hyuk đưa ra đó là cần nỗ lực để tạo trục hợp tác giữa hai nước trên tất cả các lĩnh vực chính trị, ngoại giao, an ninh để xứng tầm với mối quan hệ hợp tác kinh tế. Trong hợp tác kinh tế, cần nhấn mạnh đầu tư ngành chế tạo, đặc biệt là cơ sở hạ tầng của Việt Nam như cầu đường, nhà máy điện hay ngành công nghiệp mới ICT, y tế, khoa học công nghệ. Hai nước cần có sự hỗ trợ lẫn nhau theo phương châm “win-win” (cùng chiến thắng).

Những doanh nghiệp Hàn Quốc đang đầu tư tại Việt Nam cần coi mình là một thành viên của xã hội Việt Nam, có sự đóng góp vào xã hội Việt Nam, cũng như tôn trọng luật pháp và chính sách của Việt Nam, đây chính là văn hóa doanh nghiệp Hàn Quốc và điều đó có thể tạo ra ở Việt Nam.

Ông Kang Seong Cheon (Ủy ban Thương mại, Bộ Thương mại, Công nghiệp, Năng lượng Hàn Quốc) cho rằng cần mở rộng hoạt động hợp tác đầu tư hơn nữa, tận dụng lợi ích từ các hiệp định thương mại, tiếp tục hỗ trợ tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho cả hai bên. Hiện nhiều doanh nghiệp lớn của Hàn Quốc đã đầu tư vào Việt Nam và sẽ là đầu mối để đưa thêm nhiều doanh nghiệp khác vào đầu tư tại đây.

Tạo tâm thế mới cho Việt Nam

Nhận định quan hệ Việt Nam-Hàn Quốc đang trong giai đoạn phát triển tốt đẹp nhất trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, quốc phòng, văn hóa, giáo dục, khoa học công nghệ và giao lưu nhân dân..., Hàn Quốc tiếp tục là nhà tài trợ ODA song phương lớn thứ hai của Việt Nam, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá cao Chính phủ Hàn Quốc tiếp tục đưa Việt Nam là nước tiếp nhận nguồn vốn ODA lớn nhất của Hàn Quốc. Nguồn vốn hỗ trợ này đã và sẽ đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế, xã hội của Việt Nam.

Theo Phó Thủ tướng, kể từ năm 2014, Hàn Quốc luôn là nước dẫn đầu về đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, cả về vốn đầu tư, quy mô và dự án với trên 49 tỷ USD tổng vốn đầu tư đã đăng ký và gần 5.300 dự án đầu tư còn hiệu lực.

Hầu hết các tập đoàn kinh tế lớn của Hàn Quốc như Samsung, LG, Posco, Lotte cùng rất nhiều doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, cũng như các cá nhân đã khởi nghiệp và kinh doanh có hiệu quả, đóng góp tích cực vào quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế và tái cơ cấu kinh tế của Việt Nam trong những năm qua.

Chia sẻ về số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam trong năm tháng đầu năm 2016 đã đạt hơn 10 tỷ USD, tăng gần 2,5 lần so với cùng kỳ năm ngoái, vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài tăng hơn 6 lần, trong đó Hàn Quốc tiếp tục là đối tác FDI lớn nhất với 3,4 tỷ USD và hơn 420 dự án, Phó Thủ tướng cho rằng điều đó thể hiện niềm tin của các doanh nghiệp Hàn Quốc đối với tiềm năng phát triển kinh tế to lớn của Việt Nam.

Bên cạnh đó, Hàn Quốc là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam. Việt Nam là thị trường xuất khẩu lớn thứ 4 của Hàn Quốc với kim ngạch thương mại song phương đạt trên 36,5 tỷ USD trong năm 2015, cơ cấu hàng hóa xuất nhập khẩu có tính bổ trợ và cơ bản không có sự cạnh tranh trực tiếp.

Khẳng định quan điểm hội nhập quốc tế, trong đó hội nhập kinh tế quốc tế là trọng tâm, là chủ trương, chính sách nhất quán và lâu dài của Đảng và Chính phủ Việt Nam, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng các Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-Hàn Quốc (VKFTA), Hiệp định FTA ASEAN-Hàn Quốc là nền tảng thúc đẩy quan hệ thương mại và đầu tư trên tinh thần hai bên cùng có lợi, hỗ trợ, bổ sung cho nhau.

Với việc tham gia Cộng đồng kinh tế ASEAN và 13 Hiệp định FTA đã được ký kết, trong đó có những Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới được mệnh danh là Hiệp định thương mại tự do của thế kỷ 21 như TPP, VKFTA, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA)... trong thời gian tới, Việt Nam sẽ có quan hệ thương mại tự do với 55 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có tất cả các nước trong khối G7, 15-20 thành viên của khối G20, tiếp cận thị trường rộng lớn với quy mô 2/3 dân số và 3/4 GDP toàn cầu. Điều này sẽ mở ra cơ hội to lớn về thương mại đầu tư với các nước đối tác.

Dẫn câu nói ví von của Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh, Trưởng đoàn đàm phán TPP: Các hiệp định FTA kể cả FTA Việt Nam-Hàn Quốc đã mở ra một con đường, một đại lộ thênh thang với nhiều cơ hội lớn, nhưng vấn đề quan trọng là cỗ xe kinh tế của Việt Nam sẽ chuẩn bị như thế nào, Phó Thủ tướng cho hay Chính phủ Việt Nam đã, đang và sẽ tiếp tục rà soát để hoàn thiện hệ thống pháp luật, bổ sung, sửa đổi các cơ chế, chính sách, ban hành mới những bộ luật phù hợp với các cam kết quốc tế, đẩy mạnh cải cách thể chế kinh tế theo định hướng kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế sâu rộng.

Thông báo việc Chính phủ Việt Nam đã rà soát lần cuối cùng và trình Quốc hội xem xét, phê chuẩn Hiệp định TPP trong thời gian tới, Phó Thủ tướng nhấn mạnh cam kết hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp theo Nghị quyết 35 của Chính phủ, không phân biệt doanh nghiệp nhỏ hay lớn, không phân biệt các thành phần kinh tế. Việt Nam sẽ xây dựng một Chính phủ trong sạch và liêm chính, một Chính phủ hành động phục vụ người dân, phục vụ cộng đồng doanh nghiệp, nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh và đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, tạo cơ hội như nhau cho mọi người dân.

Phó Thủ tướng cũng nêu rõ Chính phủ Việt Nam đòi hỏi các doanh nghiệp phải nỗ lực xây dựng văn hóa doanh nghiệp và đạo đức kinh doanh liêm chính, phát triển doanh nghiệp trên tinh thần đổi mới và sáng tạo, đi bằng chính đôi chân của mình để có thể gặt hái được cơ hội và thành công tại thị trường Việt Nam cũng như thị trường rộng lớn mà Việt Nam đã tạo ra bằng các FTA thế hệ mới.

Chính phủ Việt Nam đang nỗ lực hết sức mình để ổn định kinh tế vĩ mô, tái cấu trúc mạnh mẽ và tổng thể nền kinh tế, với những đặc điểm là tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước, tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, doanh nghiệp và xử lý có hiệu quả nợ xấu, giải quyết có hiệu quả các tổ chức tín dụng yếu kém, cơ cấu lại thu chi ngân sách và bảo đảm nợ công, đẩy mạnh cải cách doanh nghiệp nhà nước và tái cơ cấu các ngành sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ.

Đây là sự kiện tiền đề quan trọng nhất tạo ra tâm thế mới cho Việt Nam, đảm bảo hội nhập thành công với cộng đồng quốc tế, tham gia chuỗi sản xuất, kinh doanh khu vực và toàn cầu, tận dụng được các cơ hội và ứng phó với các thách thức, nguy cơ do hội nhập mang lại, Phó Thủ tướng nói.

Phó Thủ tướng mong muốn thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác kinh tế toàn diện giữa hai nước. Việt Nam khuyến khích doanh nghiệp Hàn Quốc tiếp tục đầu tư trong các lĩnh vực công nghiệp chế tạo, linh kiện điện tử, ôtô, phát triển tài chính, ngân hàng, dịch vụ chất lượng cao, phát triển các sản phẩm sáng tạo, các dự án hạ tầng; tham gia đầu tư, chia sẻ kinh nghiệm trong các dự án khởi nghiệp...

“Chúng tôi khuyến khích những doanh nghiệp công nghệ cao, quản trị mạnh, có sẵn các chuỗi giá trị toàn cầu và có chính sách kết nối hiệu quả với các doanh nghiệp Việt Nam,” Phó Thủ tướng nêu rõ.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tin tưởng quy mô thương mại song phương hai nước sẽ lên 70 tỷ USD vào năm 2020 theo hướng cân bằng thương mại; cho biết Việt Nam mong muốn tiếp tục mở rộng xuất khẩu các mặt hàng thủy sản, trái cây nhiệt đới, hàng tiêu dùng, điện tử, linh kiện sang Hàn Quốc và nhập khẩu các mặt hàng chất lượng cao từ Hàn Quốc, phục vụ nhu cầu sản xuất và tiêu dùng trong nước.

Phó Thủ tướng cũng mong muốn các tập đoàn lớn của Hàn Quốc khi đầu tư vào Việt Nam có thể kéo theo các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp vệ tinh có công nghệ cao, tạo làn sóng đầu tư mới của doanh nghiệp nhỏ và vừa của Hàn Quốc vào Việt Nam chứ không chỉ là các doanh nghiệp gia công và lắp ráp.

Hai nước có sự hợp tác phát triển bền vững trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, trong đó ngân hàng của Hàn Quốc làm gương trong tái cơ cấu các tổ chức tín dụng, đảm bảo tính lành mạnh của hệ thống, chịu được các cú sốc, va đập trước những biến động của thị trường tài chính khu vực và thế giới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục