Hội nghị biến đổi khí hậu bế mạc trong thất vọng

Trải qua 13 ngày tranh luận, Hội nghị chỉ tránh được thất bại bằng một thỏa thuận chính trị, không mang tính ràng buộc pháp lý.
Ngày 19/12, Hội nghị thượng đỉnh Liên hợp quốc về chống biến đổi khí hậu tại Copenhagen (Đan Mạch) đã bế mạc. Trải qua 13 ngày tranh luận căng thẳng với hy vọng đi tới một hành động toàn cầu là chống lại mối đe dọa của tình trạng biến đổi khí hậu, song Hội nghị chỉ tránh được thất bại bằng một thỏa thuận chính trị, không mang tính ràng buộc pháp lý, được gọi là "Hiệp ước Copenhagen" (Copenhagen Accord) do một nhóm nước trong đó có Mỹ và Trung Quốc đưa ra nhằm đối phó với tình trạng ấm lên của Trái Đất.
 
Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon thừa nhận văn kiện này không đáp ứng kỳ vọng của các nước, song cho rằng Hiệp ước Copenhagen là "sự khởi đầu cần thiết" trước khi đưa ra một hiệp ước mang tính ràng buộc về pháp lý sớm nhất có thể trong năm 2010. Hiệp ước Copenhagen khẳng định biến đổi khí hậu là một trong những thách thức lớn nhất của thế kỷ và các nước đều phải có ý chí chính trị mạnh mẽ trong việc chống biến đổi khí hậu trên tinh thần trách nhiệm chung.
 
Thỏa thuận nêu rõ sự cần thiết của việc duy trì nồng độ khí thải ở giới hạn cho phép nhằm giữ nhiệt độ Trái Đất không vượt quá 2 độ C theo khuyến cáo của các nhà khoa học; kêu gọi cắt giảm mạnh lượng khí thải toàn cầu và thúc đẩy các hoạt động hợp tác quốc tế trong việc trợ giúp các nước đang phát triển, nhất là những nước chịu ảnh hưởng nặng, nước kém phát triển và các quốc đảo nhỏ, thích ứng với biến đổi khí hậu.
 
Thỏa thuận cũng quy định các nước không thuộc nhóm nước phát triển phải thực hiện hành động giảm nhẹ tùy theo điều kiện cụ thể của từng nước trên tinh thần đảm bảo phát triển bền vững; yêu cầu các nước phát triển thực hiện giảm phát thải do chống phá rừng và suy thoái rừng; thực hiện bảo tồn và quản lý rừng.
 
Ngoài ra, thỏa thuận cũng đề cập tới việc thành lập quỹ trợ giúp 100 tỷ USD vào năm 2020, trong đó có quỹ hành động nhanh khoảng 30 tỷ USD cho giai đoạn 3 năm (2010 – 2012), gồm 11 tỷ USD do Nhật Bản đóng góp, 10,6 tỷ USD của Liên minh châu Âu và 3,6 tỷ USD của Mỹ, để giúp các nước chịu ảnh hưởng lớn nhất của biến đổi khí hậu.
 
Ông Yvo de Boer, Thư ký điều hành Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu (UNFCCC), phát biểu tại phiên bế mạc hội nghị rằng Hiệp ước Copenhagen không chỉ làm mất hy vọng trong việc đạt được một hiệp ước ràng buộc pháp lý, mà còn làm mất hy vọng đạt được một thỏa thuận cuối cùng về chống biến đổi khí hậu.
 
Mặc dù nhận được sự ủng hộ của khoảng 30 nước nhưng Hiệp ước Copenhagen vẫn bị nhiều nước và các tổ chức phản đối. Chủ tịch Nhóm G77 + Trung Quốc, Tổng thống Sudan Lumumba Di-Aping cho rằng: “Thỏa thuận này chắc chắn sẽ gây ra thảm họa hủy diệt ở châu Phi và các quốc đảo nhỏ”. Theo ông Lumumba, những cam kết trong thỏa thuận thấp hơn nhiều so với mong đợi và nó chẳng mang lại điều gì ngòai những nghi ngờ trong việc thực hiện chống biến đổi khí hậu.
 
Tổng thống Mỹ Barack Obama thừa nhận thỏa thuận vừa đạt được tuy “không đầy đủ”, nhưng một thành viên phái đoàn Mỹ vẫn xem đây là “một bước tiến lịch sử và có ý nghĩa”. Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy cũng cho rằng Hiệp ước Copenhagen là một thỏa thuận tích cực nhưng “không hoàn hảo”. Ông Sarkozy bày tỏ nỗi thất vọng khi thấy bản thoả thuận đã không đề ra mục tiêu giảm 50% lượng khí thải vào năm 2050 để có thể hạn chế mức tăng nhiệt độ ở 2 độ C.
 
Nhiều tổ chức phi chính phủ hoạt động bảo vệ môi trường chỉ trích kết quả hội nghị mà họ cho là một sự “thảm bại,” vì Hiệp ước Copenhagen không có tính chất ràng buộc, mà cũng không đề ra các mục tiêu cụ thể cho năm 2020 cũng như 2050. Nhiều nhà thương thuyết cũng rất thất vọng vì cho rằng sự cần thiết đạt đến một hiệp định “có tính chất ràng buộc về pháp lý từ đây đến Hội nghị Mexico năm 2010” rốt cuộc đã không thấy được ghi trong bản thỏa thuận Copenhagen.
 
Bản tuyên bố chính trị kết thúc Hội nghị không những gây thất vọng cho nhiều nước về những mục tiêu chống biến đổi khí hậu, mà nó còn bộc lộ thêm sự phân hóa giữa một bên là các nước đang phát triển với bên kia là các nước công nghiệp phát triển.
 
Những nước phản đối mạnh mẽ nhất là các đảo quốc nhỏ đang bị hiện tượng mực nước biển dâng cao đe dọa, như Tuvalu. Đại biểu của quốc gia tí hon ở Thái Bình Dương này cho rằng mục tiêu giới hạn mức tăng nhiệt độ ở 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp là quá mơ hồ và là nguy cơ đẩy các đảo quốc nhỏ bị xóa tên khỏi bản đồ thế giới. Các nước Nam Mỹ như Venezuela, Bolivia, Cuba và Nicaragoa cũng đã đồng loạt lên án một thỏa thuận mà họ cho là "không giúp hành tinh của chúng ta đối phó với biến đổi khí hậu"./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục