Hội nghị BRICS lần thứ 6: Nơi vị thế quốc tế được khẳng định

Tại Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 6 diễn ra tại Brazil, lãnh đạo các nước BRICS đã tiến thêm một bước lớn trong quá trình hợp tác, khẳng định vị thế trong nền kinh tế, tài chính toàn cầu.
Hội nghị BRICS lần thứ 6: Nơi vị thế quốc tế được khẳng định ảnh 1 Các nhà lãnh đạo nhóm BRICS và Nam Mỹ tại hội nghị. (Nguồn: THX/TTXVN)
Tại Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 6 vừa diễn ra tại Brazil, bằng những quyết định được cho là có ý nghĩa lịch sử, Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS, gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) đã tiến thêm một bước lớn trong quá trình hợp tác, khẳng định vị thế trong nền kinh tế, tài chính toàn cầu.
Những kết quả đạt được tại hội nghị cũng có thể xem là câu trả lời cho những hoài nghi về sức mạnh cũng như quan hệ hợp tác của nhóm nước đã là động lực tăng trưởng kinh tế của toàn cầu trong những năm gần đây này.
Dấn bước khẳng định vị thế quốc tế
Tại hội nghị vừa qua, lãnh đạo các nước BRICS cuối cùng đã ký thỏa thuận thành lập Ngân hàng Phát triển mới (NDB) sau thời gian dài thảo luận. Ngân hàng này sẽ có số vốn đóng góp ban đầu là 50 tỷ USD được chia đều cho các nước sáng lập.
Ngân hàng sẽ tài trợ cho các dự án hạ tầng và phát triển bền vững tại các nước thành viên cũng như các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển khác.
NDB cũng mở cửa cho sự tham gia của các quốc gia khác ngoài BRICS, nhưng phần góp vốn của các nước trong nhóm sẽ không dưới 55%.
Không chỉ tăng cường hợp tác nội khối, NDB được kỳ vọng sẽ góp phần cùng các thể chế tài chính đa phương và khu vực hiện có thúc đẩy sự phát triển bền vững trên phạm vi toàn cầu.
Cũng tại hội nghị, Quỹ Dự trữ Khẩn cấp (CRA) cũng được nhất trí thành lập, với quy mô ban đầu là 100 tỷ USD nhằm giúp các nước thành viên ứng phó với sức ép thanh khoản ngắn hạn liên quan đến việc Mỹ dừng chính sách kích thích kinh tế.
Trung Quốc sẽ góp 41 tỷ USD vào quỹ dự phòng này, trong khi Brazil, Nga và Ấn Độ mỗi nước đóng 18 tỷ USD, và Nam Phi góp 5 tỷ USD. CRA cũng sẽ tăng cường sự hợp tác trong BRICS, củng cố lưới an toàn tài chính toàn cầu và bổ trợ cho các thỏa thuận quốc tế hiện có.
Việc thành lập NDB làm đối trọng với Ngân hàng Thế giới (WB) và CRA như một IMF nhỏ được xem như bước đi đầu tiên của BRICS hướng tới việc tái định hình hệ thống tài chính toàn cầu vốn do phương Tây chi phối.
Thành lập ngân hàng phát triển được xem là thành tựu hợp tác lớn đầu tiên của BRICS kể từ hội nghị thượng đỉnh lần thứ nhất của nhóm vào năm 2009.
Bên cạnh đó, sự ra đời của ngân hàng phát triển phản ánh sức mạnh đang gia tăng của BRICS, nhóm nước chiếm gần một nửa dân số thế giới, đóng góp 21% sản lượng kinh tế và hơn 50% tăng trưởng kinh tế của toàn cầu trong một thập niên qua.
Tại hội nghị, Tổng thống Brazil, Dilma Rousseff, đã nhắc lại yêu cầu cấp thiết phải xem xét lại quyền bỏ phiếu tại Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho tương xứng với với sức nặng không thể phủ nhận của các nền kinh tế mới nổi trong nền kinh tế toàn cầu.
Tuyên bố chung của hội nghị nói rằng sự chậm trễ trong quá trình thực hiện quyết định cải cách IMF được đưa ra từ năm 2010 này có tác động tiêu cực đến uy tín cũng như hiệu quả hoạt động của thiết chế tài chính này.
Các nước BRICS muốn rằng IMF phải đạt được thỏa thuận cuối cùng về hạn ngạch bỏ phiếu mà không bỏ lỡ hạn chót là vào tháng 1/2015.
Ông Fan Yongming, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu BRICS của Đại học Phúc Đán, Trung Quốc, cho rằng việc thành lập ngân hàng phát triển sẽ góp phần gia tăng vị thế của nhóm trong hệ thống tài chính quốc tế, trong khi sự ra đời của quỹ dự phòng sẽ làm tăng lòng tin vào sự tăng trưởng ổn định của các nền kinh tế này trong tương lai.
Trong khi đó, Đại sứ Brazil tại Trung Quốc, Valdemar Leao, nói việc thành lập ngân hàng phát triển đang gửi đi một thông điệp rõ ràng với thế giới rằng năm nước BRICS sẵn sàng và quyết tâm hành động vì sự tăng trưởng ổn định của các nền kinh tế cũng như đóng góp nhiều hơn cho phần còn lại của thế giới.
Đáp lại những hoài nghi
Hội nghị thượng đỉnh BRICS diễn ra trong bối cảnh các nền kinh tế của nhóm đang chứng kiến tốc độ tăng trưởng bị chậm lại sau thời kỳ tăng trưởng mạnh mẽ, do những điều chỉnh cơ cấu cần thiết nhằm đạt đến tăng trưởng bền vững và những thay đổi trong hệ thống tài chính quốc tế, đặc biệt là việc Mỹ rút dần các biện pháp nới lỏng định lượng.
Thực tế này đang dẫn tới những nhận định từ một số chính trị gia phương Tây rằng các nền kinh tế BRICS đang đuối sức, thậm chí là xuống dốc và cơ chế hợp tác của nhóm có thể sụp đổ khi giữa các nước thành viên có những khác biệt về tiềm lực kinh tế.
Phản bác lại nhận định về sự giảm sút sức mạnh của các nền kinh tế BRICS, nhà kinh tế Huang Wei thuộc Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc cho rằng dù chậm, tốc độ tăng trưởng của các nền kinh tế thuộc nhóm này vẫn gấp đôi so với các quốc gia phát triển.
Trong khi đó, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu BRICS của Đại học Fudan ở Thượng Hải, Fan Yongming, nói đến việc tăng trưởng kinh tế luôn mang tính chu kỳ, một thực tế đúng với không chỉ với các quốc gia phát triển mà còn với cả các quốc gia đang phát triển, nên sự lên xuống trong tăng trưởng kinh tế của BRICS là điều bình thường.
Về quan hệ hợp tác giữa các quốc gia thành viên BRICS, nhà khoa học chính trị nổi tiếng người Trung Quốc, Phó chủ tịch Hiệp hội nghiên cứu chiến lược quốc tế Thượng Hải, Giáo sư Feng Shaoley, cho rằng trong lúc đang phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng, các nước BRICS sẽ trở nên đoàn kết hơn, và hội nghị thượng đỉnh ở Brazil là rất quan trọng đối với sự phát triển hợp tác trong nhóm.
BRICS không chỉ là một cơ cấu mới cho việc cải cách hệ thống tài chính quốc tế mà còn có ý nghĩa rộng hơn là nền tảng để thảo luận về những lĩnh vực có thể hợp tác trong tình hình kinh tế mới.
Tại hội nghị vừa qua, các nước BRICS đã cam kết làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác về kinh tế, tạo thuận lợi hơn nữa cho việc gắn kết các thị trường, hội nhập tài chính, kết nối cơ sở hạ tầng cũng như giao lưu nhân dân.
Nêu bật cam kết đưa hợp tác kinh tế lên một tầm cao mới một cách thực chất, các nhà lãnh đạo BRICS nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng một lộ trình hợp tác kinh tế nội khối.
Các nhà lãnh đạo nhất trí thúc đẩy việc thảo luận về các đề xuất cho một chiến lược hợp tác kinh tế trong BRICS và khung đối tác kinh tế chặt chẽ hơn, sẵn sàng cho việc thông qua tại hội nghị thượng đỉnh lần tới.
Thêm vào đó, NDB và CRA có thể là một công cụ tốt để tăng cường hợp tác, thúc đẩy thương mại và đầu tư lẫn nhau giữa các nước BRICS.
Tổng Thư ký Phòng Công nghiệp và Thương mại BRICS ở Delhi (Ấn Độ), B.B.L. Madhukar, cho rằng với ngân hàng phát triển và quỹ dự phòng, các nước BRICS có thể tiến hành hợp tác trong nhiều lĩnh vực như trao đổi công nghệ và kinh nghiệm, năng lượng, du lịch, phát triển công nghệ thông tin, an ninh lương thực, phân bố sản xuất và quản lý giá lương thực.
Ông cho rằng là những trung tâm kinh tế của khu vực, các nước BRICS cũng dễ dàng tăng cường hợp tác với các quốc gia lân cận./.
(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục