Hội nghị các đối tác phát triển của Timor Leste năm 2015

Ngày 6/6, tại thủ đô Dili đã diễn ra Hội nghị các đối tác phát triển của Timor Leste, với chủ đề: “Củng cố các thế chế, thay đổi để thích ứng.”
Hội nghị các đối tác phát triển của Timor Leste năm 2015 ảnh 1Thủ tướng Timor Leste Rui Maria de Araujo. (Nguồn: Reuters)

Ngày 6/6, tại thủ đô Dili của Timor Leste đã diễn ra Hội nghị các đối tác phát triển của Timor Leste.

Đây là hội nghị thường niên để Chính phủ Timor Leste và các đối tác phát triển đánh giá về những bước tiến kinh tế-xã hội đã đạt được, đồng thời thảo luận về các thách thức sẽ gặp phải trong chiến lược phát triển quốc gia của Timor Leste.

Hội nghị năm nay có chủ đề: “Củng cố các thế chế, thay đổi để thích ứng.” Nâng cao năng lực các thế chế và tiến tới hội nhập, gia nhập khu vực ASEAN đang là những ưu tiên hàng đầu trong chính sách phát triển của Timor Leste.

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Timor Leste Rui Maria de Araujo nhấn mạnh Chiến lược phát triển quốc gia 2011-2030 của Timor Leste được xây dựng từ Hội nghị đối tác phát triển của Timor Leste năm 2011, với mục tiêu đưa Timor Leste trở thành nước có mức thu nhập trung bình khá, có hệ thống y tế, giáo dục đáp ứng nhu cầu của người dân.

Chiến lược này bao gồm gói các chính sách được thực hiện qua từng mốc giai đoạn cụ thể 5 năm, 10 năm và 20 năm, phù hợp với các mục tiêu phát triển của Liên hợp quốc. Chiến lược phát triển của Timor Leste dựa trên 4 trụ cột chính là phát triển xã hội, phát triển hạ tầng cơ sở, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tăng cường năng lực quản lý.

Thủ tướng Araujo đã cảm ơn và đánh giá cao sự giúp đỡ của các đối tác phát triển, đặt biệt là các nước thuộc khu vực ASEAN, dành cho Timor Leste trong những năm qua, đồng thời cho rằng tăng cường đối thoại có ý nghĩa rất quan trọng để Timor Leste đạt được các mục tiêu phát triển trên.

Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB), tốc độ tăng trưởng kinh tế của Timor Leste dự kiến sẽ đạt 6,9% trong năm nay, thấp hơn nhiều so với mức tăng trưởng 2 con số đầy ấn tượng của những năm trước đó.

Nguyên nhân khiến tăng trưởng kinh tế Timor Leste bị chậm lại là do nước này phụ thuộc quá nhiều vào xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt. Các nguồn thu ngoài dầu mỏ hiện chỉ đóng góp 6% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Đây là thách thức lớn và chứa đựng nhiều rủi ro đối với Timor Leste.

Theo nhiều chuyên gia kinh tế, trữ lượng dầu mỏ tại mỏ dầu Bayu Udan - vốn đóng góp tới 95% nguồn thu từ dầu mỏ và khí đốt của Timor Leste - có thể sẽ cạn kiệt vào năm 2021, sớm hơn 4 năm so với dự kiến.

Các đối tác của Timor Leste cho rằng quốc gia Đông Nam Á nhỏ bé này cần nhanh chóng đa dạng hóa nền kinh tế, tăng cường kêu gọi đầu tư vào các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ và đặc biệt là du lịch, một trong những thế mạnh có nhiều tiềm năng của Timor Leste, để thoát khỏi tình trạng nghèo đói hiện nay.

Dù nền kinh tế Timor Leste còn rất nghèo, quy mô rất nhỏ và dân số chỉ 1,2 triệu người nhưng sự tham gia của gần 20 nước đối tác như Mỹ, Nhật Bản, Australia, New Zealand, Pháp, Đức, Brazil, Trung Quốc, Hàn Quốc và một số nước ASEAN..., cùng các tổ chức quốc tế như Liên hợp quốc, Liên minh châu Âu (EU), WB đã cho thấy sự quan tâm của cộng đồng quốc tế đối với quốc gia Timor Leste non trẻ.

Một Timor Leste ổn định, phát triển và gia nhập khu vực ASEAN trong tương lai không chỉ là mục tiêu của các nhà lãnh đạo nước này, mà còn là mong muốn của các nước khu vực và cộng đồng quốc tế./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục