Hội nghị EU ủng hộ giám sát chặt chẽ tài chính

Ngày 18/6, tại Brussels (Bỉ), lãnh đạo 27 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã khai mạc Hội nghị thượng đỉnh hai ngày nhằm tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng tài chính hiện nay.

Ngày 18/6, tại Brussels (Bỉ), lãnh đạo 27 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã khai mạc Hội nghị thượng đỉnh hai ngày nhằm tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng tài chính hiện nay.

Ngoài ra, Hội nghị còn thảo luận về Hiệp ước Lisbon và chọn người kế nhiệm Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jose Manuel Barroso, sẽ hết nhiệm kỳ vào tháng 11 tới.

Nhằm tránh xảy ra cuộc khủng hoảng kinh tế trong tương lai, các nhà lãnh đạo EU đã nhất trí trên nguyên tắc một thỏa thuận, theo đó ủng hộ những kế hoạch mới nhằm giám sát chặt chẽ khu vực tài chính, thành lập các cơ chế liên châu Âu để giám sát hệ thống ngân hàng, công ty bảo hiểm và chứng khoán.

Cũng tại hội nghị, các nhà lãnh đạo EU đã nhất trí ủng hộ đương kim Chủ tịch EC Jose Manuel Barroso ứng cử vị trí đứng đầu cơ quan hành pháp của EU nhiệm kỳ 5 năm lần thứ hai.

Theo các nhà phân tích, ông Barroso - vừa là ứng cử viên duy nhất, vừa là thành viên của đảng Nhân dân châu Âu, đảng trung hữu giành thắng lợi trong cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu (EP) tuần trước, gần như chắc chắn sẽ tái đắc cử. Tuy nhiên, ứng cử viên người Bồ Đào Nha này còn phải trải qua một cuộc bỏ phiếu tại Nghị viện châu Âu vào mùa Thu tới.

Liên quan tới Hiệp ước Lisbon về cải cách thể chế châu Âu, một trong những nguyên nhân đẩy EU vào cuộc khủng hoảng hiến pháp trầm trọng nhất trong nhiều năm qua, các nhà lãnh đạo hy vọng sẽ đạt được nhất trí về một số cam kết mang tính ràng buộc pháp lý nhằm thuyết phục cử tri Ireland ủng hộ bản hiệp ước này trong cuộc trưng cầu dân ý lần hai, dự kiến diễn ra vào cuối tháng 9 hoặc đầu tháng 10 tới.

Đây có lẽ là trở ngại lớn nhất đối với EU để đạt được mục tiêu "nhất thể hóa châu Âu." Đến nay, hầu hết 27 thành viên của EU đã thông qua văn bản pháp lý này, tuy nhiên, quyết định bác bỏ của người dân Ireland tháng 6 năm ngoái đã đẩy châu Âu lâm vào cuộc khủng hoảng hiến pháp.

Như vậy, cho đến thời điểm gần kết thúc nhiệm kỳ Chủ tịch luân phiên EU (31/6), Cộng hòa Séc vẫn chưa đạt được mục tiêu từng kỳ vọng có thể giải quyết trong 6 tháng đảm nhận cương vị này.

Hiệp ước Lisbon và cơ chế tài chính cho một EU thịnh vượng vẫn là "gánh nặng" cho Thụy Điển, nước sẽ tiếp nhận vị trí Chủ tịch EU bắt đầu từ ngày 1/7/2009./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục