Hội nghị G-8 bế mạc không đạt kết quả cụ thể

G-8 không đưa ra biện pháp cụ thể để thực hiện mục tiêu đã đề ra, không "khai thông bế tắc" về cách thức hỗ trợ các nước nghèo đối phó với biến đổi khí hậu.
Sau 3 ngày họp, chiều 10/7, Hội nghị thượng đỉnh thường niên Nhóm các nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G-8) và Hội nghị Diễn đàn các nền kinh tế lớn (MEF) ở thành phố L'Aquila của Italy đã kết thúc, nhưng không có cam kết và biện pháp thực hiện cụ thể nào với những mục tiêu đã đề ra.

Trong tuyên bố chung với các nước đang nổi lên gồm Trung Quốc và Ấn Độ, G-8 "chốt lại" mục tiêu giữ cho nhiệt độ trái đất tăng không quá 2 độ C so với thời kỳ tiền Cách mạng Công nghiệp, nhưng chỉnh lại mục tiêu giảm khí thải điôxít cácbon CO2 ở mức "ít nhất là 50%" mức của năm 1990 vào năm 2050, chứ không phải 80% như cam kết trong ngày họp đầu tiên. G-8 cũng thừa nhận các nước phát triển phải gánh trọng trách thực hiện phần lớn mục tiêu này.

Tuy nhiên, G-8 không đưa ra những biện pháp cụ thể để thực hiện mục tiêu đã đề ra, và cũng không "khai thông bế tắc" về cách thức hỗ trợ các nước nghèo đối phó với tình trạng biến đổi khí hậu.

Bất chấp Tổng thống Mỹ Barak Obama đánh giá mục tiêu giảm khí thải là một sự đồng thuận "có ý nghĩa lịch sử", Tổng Thư ký Liên hợp quốc khẳng định G-8 đã "bỏ lỡ cơ hội duy nhất" để đạt tiến bộ trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu trước tháng 12 tới.

Tuyên bố chung đưa ra những nhận định về khủng hoảng tài chính tương tự bản tuyên bố dự thảo, nhấn mạnh những dấu hiệu ổn định, kể cả trên thị trường chứng khoán, cũng như những nguy cơ đe dọa sự ổn định kinh tế và tài chính thế giới.

Hội nghị không nhất trí cao về mức độ cần thiết phải áp đặt các biện pháp ổn định tình hình tiếp theo, và cho rằng các nước phải tự xây dựng chiến lược thoát khỏi khủng hoảng cho phù hợp với điều kiện kinh tế và tài chính của nước mình.

Về thương mại, tuyên bố chung chính thức không có sự thay đổi so với dự thảo tuyên bố trước hội nghị, theo đó G-14 cam kết chống lại mọi hình thức bảo hộ, duy trì và thúc đẩy các thị trường mở, tìm cách kết thúc cân bằng vòng đàm phán Doha về tự do hóa thương mại toàn cầu.

Về an ninh lương thực, G-8 quyết định chi 20 tỷ USD cho quỹ đảm bảo an ninh lương thực ở các nước nghèo, chuyển hướng từ hỗ trợ lương thực sang công nghệ và thông tin giúp các nước nghèo tự trồng cây lương thực để sinh sống.

Đối với Iran, G-8 bày tỏ quan ngại sâu sắc về tình hình sau bầu cử ở nước này, nhưng khẳng định sẽ tìm kiếm giải pháp hòa bình cho vấn đề hạt nhân của Tehran.

Tuyên bố cũng lên án mạnh mẽ các vụ thử hạt nhân của Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về vấn đề này./.
(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục