Hội nghị khoa học công nghệ hạt nhân toàn quốc

Hội nghị khoa học hạt nhân là cơ hội để các nhà khoa học trong và ngoài nước trao đổi các kết quả nghiên cứu, ứng dụng mới nhất.
Hội nghị Khoa học và Công nghệ hạt nhân toàn quốc lần thứ IX  diễn ra trong hai ngày 18-19/8 tại Ninh Thuận.

Tham gia hội nghị có hơn 250 nhà khoa học, 40 tổ chức khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo trong nước; 20 nhà khoa học và cán bộ quản lý thuộc các cơ quan khoa học công nghệ và tập đoàn năng lượng nguyên tử của Liên bang Nga, Nhật Bản, Bulgaria, Đức, Pháp, Hoa Kỳ cùng đại diện các bộ, ngành chức năng và các tỉnh trong khu vực.

Hội nghị Khoa học và Công nghệ hạt nhân toàn quốc nhằm mục đích trao đổi, công bố các kết quả nghiên cứu và ứng dụng khoa học-công nghệ hạt nhân ở Việt Nam trong giai đoạn 2009-2011, đồng thời đề ra các mục tiêu, phương hướng, nội dung nghiên cứu-triển khai trong giai đoạn 2011-2013.

Các báo cáo khoa học tại hội nghị lần này đã có bước phát triển mới, yếu tố quốc tế được thể hiện rõ nét với sự tham gia của các đại biểu đến từ những quốc gia có nền khoa học và công nghệ hạt nhân tiên tiến đã và đang tích cực tham gia vào việc phát triển điện hạt nhân ở Việt Nam.

Phó giáo sư-tiến sỹ Vương Hữu Tấn, Viện trưởng Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam cho biết, kể từ Hội nghị Khoa học và Công nghệ hạt nhân lần thứ VIII đến nay, sự nghiệp nghiên cứu, phát triển và ứng dụng năng lượng nguyên tử ở Việt Nam có nhiều tiến triển đáng ghi nhận.

Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận đã được Quốc hội thông qua ngày 25/10/2009. Quy hoạch tổng thể phát triển ứng dụng Năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình đến năm 2020, quy hoạch phát triển ứng dụng bức xạ trong nông nghiệp, trong công nghiệp và trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường, định hướng quy hoạch địa điểm chôn cất chất thải phóng xạ, đề án đào tạo phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực Năng lượng nguyên tử đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành trong năm 2010.

Về cơ bản, các văn bản quy phạm pháp luật quan trọng định hướng cho phát triển ngành Năng lượng nguyên tử đã được xây dựng và ban hành trong hai năm qua kể từ Hội nghị Khoa học và Công nghệ hạt nhân lần thứ VIII.

Các văn bản này đã tạo cơ sở vững chắc để các bộ, ngành, địa phương và các doanh nghiệp đầu tư phát triển ứng dụng Năng lượng nguyên tử phục vụ đời sống kinh tế-xã hội.

Trong hai ngày diễn ra hội nghị, các đại biểu tập trung báo cáo, thảo luận các vấn đề về tiến độ thực hiện Dự án điện hạt nhân tại Ninh Thuận, về việc chuẩn bị cơ sở pháp lý xây dựng nhà máy điện hạt nhân ở Việt Nam; xây dựng trung tâm nghiên cứu mới Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam; một số thách thức đối với việc xây dựng lò phản ứng thế hệ 3 ở các nước đang phát triển; một số vấn đề địa chất khu vực địa điểm nhà máy điện hạt nhân..../.

Đức Ánh (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục