Hội nghị lãnh đạo Trung Quốc-EU ra tuyên bố chung

Trung Quốc và Liên minh châu Âu (EU) ngày 9/4 đã nhắc lại cam kết chung nhằm củng cố hơn nữa mối quan hệ đối tác giữa hai bên và bảo vệ hoạt động thương mại tự do và cơ chế đa phương.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker (thứ 2, trái), Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk (thứ 3, trái) và Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường (thứ 5, phải) tại Hội nghị các nhà lãnh đạo EU-Trung Quốc ở Brussels, Bỉ ngày 9/4/2019. (Ảnh: THX/TTXVN)
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker (thứ 2, trái), Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk (thứ 3, trái) và Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường (thứ 5, phải) tại Hội nghị các nhà lãnh đạo EU-Trung Quốc ở Brussels, Bỉ ngày 9/4/2019. (Ảnh: THX/TTXVN)

Theo THX, Trung Quốc và Liên minh châu Âu (EU) ngày 9/4 đã nhắc lại cam kết chung nhằm củng cố hơn nữa mối quan hệ đối tác giữa hai bên và bảo vệ hoạt động thương mại tự do và cơ chế đa phương.

Sự tái khẳng định trên được đưa ra trong một tuyên bố chung sau hội nghị lãnh đạo Trung Quốc-EU tại Brussels (Bỉ) do Thủ tướng Lý Khắc Cường, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker đồng chủ trì.

Tuyên bố có 3 nội dung chính, gồm hai bên cùng mở cửa, các lợi ích chung lớn hơn những bất đồng và duy trì cơ chế đa phương.

[Mối quan hệ 'tiến thoái lưỡng nan' giữa Trung Quốc và EU]

Cụ thể, hai bên tái khẳng định cam kết củng cố mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Trung Quốc-EU vì hòa bình, tăng trưởng, cải cách và văn minh trên cơ sở các nguyên tắc tôn trọng lẫn nhau, tin cậy, bình đẳng và cùng có lợi, thông qua việc thực hiện Chương trình nghị sự Chiến lược Trung Quốc-EU 2020 vì sự phát triển.

Các nhà lãnh đạo Trung Quốc và EU đã nhất trí rằng, với tư cách là hai lực lượng chính duy trì hòa bình, thịnh vượng và phát triển thế giới, Bắc Kinh và Brussels nên hợp tác để mở rộng các lợi ích chung, nhằm mang lại lợi ích cho người dân hai bên.

Hai bên cũng tái khẳng định cam kết duy trì cơ chế đa phương và phản đối chế độ bảo hộ, tôn trọng luật pháp quốc tế, lấy các quy chế cơ bản để quản lý các vấn đề quốc tế, trong đó Liên hợp quốc đóng vai trò hạt nhân./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục