Hội nghị LHQ thảo luận về bản dự thảo chính thức

Hội nghị Liên hợp quốc về chống biến đổi khí hậu bắt đầu thảo luận về bản dự thảo chính thức mà hội nghị đạt được vào ngày 11/12.
Ngày 14/12, Hội nghị Liên hợp quốc về chống biến đổi khí hậu (COP15) ở Copenhagen, Đan Mạch bước sang tuần làm việc thứ 2 với sự thống nhất bắt đầu thảo luận về bản dự thảo chính thức mà hội nghị đạt được vào ngày 11/12.

Văn kiện dài 7 trang với ưu điểm ngắn gọn, nhiều chương quan trọng để mở với nhiều khả năng chọn lựa, tạo điều kiện cho các nguyên thủ quốc gia có thể đưa ra quyết định cuối cùng vào ngày cuối cùng của hội nghị (18/12).

Tuy nhiên, theo các nhà quan sát, Hội nghị Copenhagen đang đứng trước nguy cơ chia rẽ nghiêm trọng nhất khi mà những mâu thuẫn giờ đây không chỉ tồn tại giữa hai nhóm nước phát triển và đang phát triển, mà còn trong nội bộ các nước phát triển với nhau.

Hai bản dự thảo chính thức của Nhóm công tác đặc biệt về hợp tác hành động dài hạn trong Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (AWG-LCA) và Nhóm công tác đặc biệt trong Nghị định thư Kyoto (AWG-KP) đưa ra hôm 11/12 đã tạo ra những làn sóng phản đối giữa các nước.

Trong bản dự thảo, AWG-LCA đặt giới hạn giữ nhiệt độ Trái Đất không tăng quá 1,5-2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp, với 3 mức (lựa chọn) cắt giảm khí thải toàn cầu vào năm 2050 là 50%, 80% và 95%.

Một số nước, trong đó có Mỹ, đã phản đối dự thảo này, cho rằng nhiều nội dung dự thảo “có vấn đề nghiêm trọng” và không đảm bảo cho việc tiến tới một thỏa thuận ràng buộc pháp lý lâu dài.

Trong khi đó, dự thảo của AWG-KP cũng đang gây những luồng dư luận trái chiều giữa hai nhóm nước phát triển và đang phát triển. Các nước đang phát triển ủng hộ đề xuất của dự thảo về sửa đổi Nghị định thư Kyoto, còn các nước phát triển muốn có một thỏa thuận mới, đồng thời yêu cầu hạ thấp quy định cắt giảm khí thải trung hạn đối với các nước này.

Các nhà phân tích cho rằng, Hội nghị Copenhagen sẽ còn nhiều gian nan trong tuần này khi hơn 1.200 nhà lãnh đạo trên thế giới, trong đó có Tổng thống Mỹ Barack Obama, Tổng thống Nga Dmitry Medvedev và Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo cùng có mặt tại Đan Mạch để đưa ra những quan điểm cuối cùng về vấn đề chống biến đổi khí hậu của mỗi nước.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-Moon tuyên bố ông lạc quan một cách thận trọng về kết quả Hội nghị Copenhagen.

Trong khi đó, bên ngoài hội nghị, những người biểu tình vẫn tiếp tục cuộc tuần hành trong ngày thứ hai liên tiếp nhằm gây sức ép yêu cầu các nhà lãnh đạo thế giới không phớt lờ cuộc chiến chống biến đổi, đồng thời kêu gọi hội nghị đạt được một thỏa thuận mới chống biến đổi khí hậu sau năm 2012, thời điểm Nghị định thư Kyoto hết hiệu lực.

Cảnh sát Đan Mạch bắt giữ thêm 200 người quá khích tham gia các cuộc tuần hành. Người phát ngôn cảnh sát Đan Mạch Flemming Steen Munch cho biết những người này bị bắt sau khi cảnh sát ngăn chặn một cuộc tuần hành trái phép gồm hàng trăm người đang tìm cách tiến về khu cảng biển của thành phố. Ngoài ra, cảnh sát cũng thu giữ nhiều dụng cụ nguy hiểm như thanh sắt.

Đây là vụ bắt giữ người biểu tình thứ hai ở thủ đô Copenhagen trong hai ngày cuối tuần. Trước đó, cảnh sát cũng đã bắt giữ gần 1.000 người biểu tình tham gia cuộc tuần hành lớn gồm khoảng 40.000 người kéo về trung tâm Bella, nơi đang diễn ra (COP15).

Cùng ngày, dưới sự chủ trì của Tổng Giám mục xứ Canterbury ở thủ đô Copenhagen, các giám mục Cơ đốc giáo trên toàn thế giới đã đồng loạt cử hành nghi lễ cầu nguyện cho khí hậu Trái Đất.

Sau lễ cầu nguyện, các nhà thờ ở Đan Mạch cùng hàng nghìn nhà thờ khác trên thế giới đã thỉnh chuông 350 lần, con số thể hiện ý nguyện mong muốn giới hạn lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính điôxít cácbon (CO2) trong khí quyển ở mức 350 phần triệu (ppm) - ngưỡng an toàn theo khuyến cáo của các nhà khoa học.

Hội đồng các nhà thờ quốc gia Đan Mạch cho biết đây là hoạt động nằm trong chiến dịch toàn cầu nhằm kêu gọi sự quan tâm đối với hiện tượng biến đổi khí hậu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục