Hội nghị nâng cao chất lượng nguồn lực ngành du lịch

Hệ thống tiêu chuẩn kỹ năng nghề Du lịch Việt Nam (VTOS) nhằm tạo ra những tác động tích cực đến chất lượng của đội ngũ lao động ngành du lịch Việt Nam.
Hội nghị nâng cao chất lượng nguồn lực ngành du lịch ảnh 1Quang cảnh hội nghị. (Ảnh: Phương Vy/TTXVN)

Ngày 5/12, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) với sự hỗ trợ của Phái đoàn Liên minh châu Âu, Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã tổ chức Hội nghị về thực hiện các tiêu chuẩn nghề du lịch điều chỉnh (VTOS) theo thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau trong ASEAN về nghề du lịch (MRA-TP) với sự tham gia của các cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch trong và ngoài nước.

Hệ thống tiêu chuẩn kỹ năng nghề Du lịch Việt Nam (VTOS) nằm trong dự án Chương trình phát triển năng lực du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội do Liên minh châu Âu tài trợ trong giai đoạn 2011-2015, nhằm tạo ra những tác động tích cực đến chất lượng của đội ngũ lao động ngành du lịch Việt Nam đã được Tổng cục Du lịch phê duyệt triển khai thực hiện.

Từ góc độ của một đơn vị kinh doanh lữ hành áp dụng VTOS, ông Ngô Minh Đức, Tổng Giám đốc Công ty Du lịch HG Travel, cho biết hệ thống tiêu chuẩn VTOS đã đi vào hoạt động và đến nay tạo được những tác động tích cực, nâng cao chất lượng đội ngũ lao động từ kỹ năng, nghiệp vụ đến hành vi thái độ khi làm việc trong môi trường ngành công nghiệp không khói tại Việt Nam.

Cùng quan điểm trên, ông Đặng Quốc Hòa, Phó Hiệu trưởng Trường Trung cấp Du lịch và Khách sạn SaigonTourist nhận định việc vận dụng hệ thống tiêu chuẩn VTOS đã tăng năng lực đào tạo của giảng viên, lấy người học làm trung tâm; học viên học tích cực và thực tế.

Bên cạnh đó, theo hệ thống tiêu chuẩn VTOS, trường áp dụng ba loại hình đào tạo trong du lịch là kỹ năng, lý thuyết và bài dạy sửa sai, từ đó đào tạo những học viên sau khi ra trường có khả năng đáp ứng nhu cầu của xã hội.

Tuy nhiên, qua quá trình thực hiện VTOS, ông Kai Marcus Schroter, Phó Chủ tịch Tiểu ban Du lịch và Nhà hàng khách sạn thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu, cho rằng vẫn còn những thách thức, khó khăn. Điển hình như việc thực hiện hệ thống tiêu chuẩn VTOS còn chậm và chưa đầy đủ.

Mặt khác, việc áp dụng hệ thống tiêu chuẩn VTOS chưa được bắt buộc trên toàn quốc, vẫn còn tập trung chủ yếu vào các khách sạn tiêu chuẩn quốc tế chứ không tập trung vào các khách sạn địa phương; chưa có sự đồng nhất giữa cấp giấy chứng nhận tiêu chuẩn VTOS với giấy phép kinh doanh và xếp hạng sao.

Tại hội nghị, các đại biểu cho rằng cần sớm hợp thức hóa hệ thống tiêu chuẩn VTOS thành hệ thống tiêu chuẩn nghề du lịch quốc gia và sử dụng rộng rãi trong các doanh nghiệp, đơn vị hoạt động trong lĩnh vực du lịch để nâng cao tiêu chuẩn dịch vụ du lịch tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, ngành du lịch Việt Nam đang trong giai đoạn tăng tốc để bước vào giai đoạn hội nhập Cộng đồng ASEAN, các thừa nhận lẫn nhau trong ASEAN về nghề du lịch sẽ góp phần tích cực và tạo điều kiện thuận lợi cho việc dịch chuyển lao động trong ngành du lịch giữa các nước trong khu vực, vì vậy cần tiếp tục xây dựng các tiêu chuẩn cụ thể đối với công ty kinh doanh lữ hành./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục