Hội nghị Nhóm đối thoại Việt-Mỹ về dioxin

Ngày 21/4, tại thành phố Đà Nẵng, Hội nghị Nhóm đối thoại Việt-Mỹ về vấn đề chất độc da cam đã được tổ chức nhằm đánh giá những tiến bộ mới trong việc khắc phục hậu quả chất độc da cam mà quân đội Mỹ sử dụng trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam.

Ngày 21/4, tại thành phố Đà Nẵng, Hội nghị Nhóm đối thoại Việt-Mỹ về vấn đề chất độc da cam đã được tổ chức nhằm đánh giá những tiến bộ mới trong việc khắc phục hậu quả chất độc da cam mà quân đội Mỹ sử dụng trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam.
 
Hội nghị có sự tham dự của các thành viên Nhóm đối thoại Việt Nam và Mỹ, các đại diện Quỹ Ford, UNICEF, Văn phòng Ban chỉ đạo quốc gia khắc phục hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam (Văn phòng 33), Hội Nạn nhân chất độc da cam Việt Nam, đại diện các tỉnh, thành phố Quảng Trị, Đà Nẵng, Đồng Nai và đại diện một số tổ chức phi Chính phủ đang hoạt động tại Việt Nam.
 
Các đại biểu sẽ đóng góp ý kiến chia sẻ chiến lược, quan điểm và cách đặt vấn đề để làm thế nào có sự thống nhất cho chương trình hành động sắp tới của nhóm; đưa ra các biện pháp để dần dần đi đến giải quyết toàn bộ những nảy sinh trong vấn đề khắc phục hậu quả chất độc da cam để lại.
 
Tại hội nghị, đại diện nhóm đối thoại Việt Nam và nhóm đối thoại Mỹ đã trình bày về việc thành lập Nhóm đối thoại Việt-Mỹ về chất độc da cam và các hoạt động chính của nhóm; vai trò của nhóm trong việc chủ lưu hóa vấn đề da cam tại Mỹ.
 
Đại diện Văn phòng 33 báo cáo tổng quan vấn đề chất độc da cam tại Việt Nam; tiến độ tẩy độc tại sân bay Đà Nẵng và sân bay Biên Hòa. Đại diện các địa phương như Đà Nẵng, Quảng Trị, Đồng Nai đã có những báo cáo về tác động của chất độc da cam tại địa phương và các khả năng hợp tác lĩnh vực này trong tương lai.
 
Theo bà Tôn Nữ Thị Ninh, người tham gia sáng lập và là nguyên đồng Chủ tịch của Nhóm đối thoại Việt-Mỹ về chất độc da cam, Nhóm đối thoại này là cầu nối thuận lợi nhất giữa Việt Nam và Mỹ về vấn đề chất độc da cam.
 
Theo Tiến sĩ Charles Bailey, Giám đốc Sáng kiến đặc biệt về chất độc da cam (Quỹ Ford), trong những năm 1960, quân đội Mỹ đã sử dụng chất độc da cam và các chất diệt cỏ khác để phá hủy các cánh rừng, cây trồng trên khoảng 10% diện tích tự nhiên của miền Trung và miền Nam Việt Nam.
 
Chất độc da cam để lại
dioxin, một hóa chất dù chỉ với hàm lượng rất nhỏ cũng rất độc hại đối với con người. Vì thế, dù cho điôxin có lịch sử bắt nguồn từ cuộc chiến tranh mà nước Mỹ tiến hành trước đây, nó vẫn còn là một vấn đề của hôm nay - việc phơi nhiễm điôxin có quan hệ chặt chẽ với các loại bệnh kinh niên và hơn thế nữa, nó liên quan đến con số ngày càng gia tăng các trẻ em mắc dị tật ở nhiều chức năng.
 
Hai nhóm người Việt Nam có rủi ro bị phơi nhiễm điôxin là nhóm binh sĩ và dân thường, những người đã có mặt tại các khu vực bị rải chất da cam trong những năm 1960 và con cháu của họ. Nhóm thứ hai là những người hiện đang sinh sống trong các khu vực gần khu phi quân sự cũ của quân đội Mỹ bị nhiễm dioxin./.
 
(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục