Hội nghị NPT nhấn mạnh giải pháp chống phổ biến vũ khí hạt nhân

Ngày 27/4, Hội nghị kiểm điểm thực hiện Hiệp ước không phổ biến hạt nhân (NPT) đã khai mạc tại trụ sở của Liên hợp quốc ở New York (Mỹ).
Hội nghị NPT nhấn mạnh giải pháp chống phổ biến vũ khí hạt nhân ảnh 1Toàn cảnh hội nghị. (Nguồn: Kyodo/TTXVN)

Ngày 27/4, Hội nghị kiểm điểm thực hiện Hiệp ước không phổ biến hạt nhân (NPT) đã khai mạc tại trụ sở của Liên hợp quốc ở New York (Mỹ) với hy vọng hơn 190 nước tham dự sẽ có những hành động tích cực để xây dựng một thế giới an toàn hơn.

Trong bài phát biểu do Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc Jan Eliasson đọc tại phiên khai mạc, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon cảnh báo những thách thức đối với tiến trình chống phổ biến vũ khí hạt nhân vẫn còn tồn tại suốt 5 năm qua kể từ hội nghị về NPT lần gần đây nhất diễn ra hồi năm 2010.

Ông nhấn mạnh mặc dù số lượng đầu đạn hạt nhân đã bị cắt giảm đáng kể từ khi NPT có hiệu lực năm 1970, song điều này vẫn chưa đủ và các nước vẫn cần phải quyết tâm hơn nữa trong nỗ lực giải trừ vũ khí hạt nhân.

Ông cũng lưu ý trong suốt 5 năm qua, Mỹ và Nga là hai nước không đạt được nhiều bước tiến trong việc cắt giảm kho vũ khí hạt nhân, trong khi cuộc khủng hoảng tại Ukraine vẫn gây chia rẽ niềm tin giữa hai cường quốc này, khiến triển vọng về hợp tác trong tương lai giữa Washington và Moskva trở nên mờ mịt.

Người đứng đầu tổ chức đa phương lớn nhất hành tinh hối thúc giới chức lãnh đạo các nước cần thúc đẩy và triển khai những hành động cụ thể, mang tính xây dựng nhằm đẩy mạnh việc giải trừ vũ khí hạt nhân.

Thay mặt Phong trào Không liên kết, Ngoại trưởng Iran Javad Zarif tái khẳng định sự cần thiết phải thiết lập một khu vực phi hạt nhân ở Trung Đông cũng như các khu vực khác tại Trung Đông.

Ông Zarif kêu gọi Hội nghị kiểm điểm NPT 2015 cần thúc đẩy việc triển khai Nghị quyết 1995 và chương trình hành động được thông qua tại hội nghị năm 2010 nhằm nhanh chóng thiết lập một khu vực không có vũ khí hạt nhân dựa trên sự đồng thuận giữa các nước.

Góp tiếng nói tại hội nghị, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cho rằng đề xuất của Iran là "một mục tiêu tham vọng và nhiều thách thức," song vẫn khẳng định lập trường của Washington sẵn sàng ủng hộ những bước đi thực tế để hình thành khu vực phi hạt nhân ở Trung Đông.

Ông kêu gọi các nước trên thế giới cần đoàn kết trong việc loại bỏ vũ khí nguyên tử, đối phó với những thách thức trước mắt cũng như đảm bảo tuân thủ mọi điều khoản trong NPT.

Liên quan đến các cuộc đàm phán hạt nhân giữa Iran và nhóm P5+1 (gồm Anh, Pháp, Mỹ, Nga, Trung Quốc và Đức), ông Kerry nhấn mạnh hơn bao giờ hết, các cường quốc và Tehran hiện đang ở rất gần thời điểm đạt được một thỏa thuận hạt nhân "tốt và toàn diện," đồng thời khẳng định nếu điều này đạt được, "thế giới sẽ trở nên an bình hơn."

Trong ngày đầu tiên của hội nghị, đại diện các nước châu Âu, châu Á cũng nhấn mạnh nhu cầu cấp bách đối với việc tuân thủ NPT và nhu cầu sử dụng năng lượng hạt nhân vào các mục đích hòa bình để tiến tới một thế giới không vũ khí hạt nhân.

Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lý Bảo Đông nhấn mạnh Hội nghị kiểm điểm NPT 2015 là một "sự kiện có ý nghĩa quan trọng," đồng thời đánh giá cao vai trò của hiệp ước này trong việc góp phần xây dựng và duy trì sự ổn định, hòa bình và an ninh trên thế giới.

Ông cũng khẳng định lập trưởng của Trung Quốc trong việc duy trì cơ chế chống phổ biến hạt nhân cũng như sẵn sàng ủng hộ những nỗ lực quốc tế trong việc thành lập các khu vực phi hạt nhân.

Hội nghị kiểm điểm thực hiện NPT được tổ chức 5 năm 1 lần. Hội nghị năm nay diễn ra từ ngày 27/4-22/5, bao gồm các phiên tranh luận toàn thể và các cuộc thảo luận kín nhằm kiểm điểm việc thực hiện NPT, tăng cường chế độ không phổ biến vũ khí hạt nhân quốc tế và cải thiện tình trạng an ninh, an toàn vật liệu hạt nhân cũng như các cơ sở liên quan.

Hội nghị cũng tìm kiếm sự đồng thuận trong việc triển khai các biện pháp nhằm củng cố các nguyên tắc loại bỏ và chống phổ biến vũ khí hạt nhân.

Có hiệu lực từ năm 1970, đến nay NPT đã có 191 nước tham gia. Mục đích của hiệp ước này là nhằm chấm dứt các cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân và đi tới việc giải trừ quân bị./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục