Hội nghị quốc tế cấp cao về dinh dưỡng lần thứ hai tại Italy

Hội nghị dự kiến sẽ thông qua "Tuyên bố dinh dưỡng Rome" và "Khung hành động," được soạn thảo dựa trên sự thống nhất của chính phủ gần 200 quốc gia.
Hội nghị quốc tế cấp cao về dinh dưỡng lần thứ hai tại Italy ảnh 1Trẻ em bị suy dinh dưỡng điều trị tại bệnh viện ở Tillaberi, Tây Niger. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Từ ngày 19 đến 21/11, Hội nghị quốc tế cấp cao về dinh dưỡng lần thứ 2 (ICN2) do Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hợp quốc (FAO) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đồng tổ chức, diễn ra tại trụ sở FAO ở Rome (Italy).

Hội nghị cấp bộ trưởng quy tụ các nhà hoạch định chính sách cấp cao của khoảng 190 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới nhằm xây dựng một khung chính sách linh hoạt cho việc giải quyết các thách thức chủ yếu và xác định các lĩnh vực ưu tiên cho tăng cường hợp tác quốc tế về dinh dưỡng.

Hội nghị dự kiến sẽ thông qua "Tuyên bố dinh dưỡng Rome" và "Khung hành động", được soạn thảo dựa trên sự thống nhất của chính phủ gần 200 quốc gia sau khi tham vấn với các tổ chức xã hội và khu vực tư nhân trên toàn thế giới.

Phát biểu trong cuộc họp báo trước thềm hội nghị, chuyên gia dinh dưỡng của FAO Leslie Amoroso cảnh báo tình trạng suy dinh dưỡng toàn cầu vẫn tồn tại ở mức quá cao trong thời gian dài. Đi đôi với đó, con người cũng đang phải trả giá đắt khi có tới 805 triệu người hiện trong tình trạng thiếu dinh dưỡng thiết yếu và 161 triệu trẻ em lâm vào tình trạng chậm phát triển.

Kể từ Hội nghị lần thứ nhất CIN1 tổ chức năm 1992, rất nhiều biện pháp khắc phục đã được thực hiện và số người thiếu dinh dưỡng thiết yếu đã giảm đi hơn một nửa từ 1 tỷ người xuống còn 805 triệu người năm 2014.

Tuy nhiên, khi nhắc tới suy dinh dưỡng, các chuyên gia cho rằng nó không chỉ đơn thuần là nạn đói mà còn ám chỉ khái niệm "đói ẩn" hay tình trạng thiếu các dưỡng chất thiết yếu như vitamin A, sắt và kẽm trên khoảng 2 tỷ người và tình trạng thừa cân, béo phì ở 42 triệu trẻ và 500 triệu người trưởng thành trên toàn thế giới.

Chuyên gia Amoroso cũng khẳng định tình trạng thiếu hụt dinh dưỡng chính yếu tố kìm hãm sự phát triển toàn cầu. Vì vậy, đầu tư vào thực phẩm sạch và đầy đủ dưỡng chất cũng đồng nghĩa với nâng cao sản lượng lao động, khuyến khích phát triển kinh tế, giảm chi phí bảo hiểm y tế và thúc đẩy năng lực trí tuệ và giáo dục của nhân loại.

Hội nghị ICN2 sẽ dựa trên các tiến trình và sáng kiến chính trị toàn cầu hiện có để đóng góp cho chương trình nghị sự phát triển sau năm 2015 của Liên hợp quốc, trong đó có xác định các lĩnh vực ưu tiên, các mục tiêu phát triển dinh dưỡng, cùng các chính sách cần có để đạt được, đánh giá, và giải trình cho các lĩnh vực và mục tiêu đó.

Kết quả của Hội nghị ICN2 sẽ góp phần ủng hộ lời kêu gọi của Tổng thư ký Liên hợp quốc về việc gắn kết chặt chẽ về chính sách ở tất cả các cấp, từ toàn cầu, khu vực, quốc gia, đến địa phương cùng như các cơ chế phát triển tác toàn cầu.

Hội nghị ICN2 cũng sẽ góp phần nhấn mạnh lời kêu gọi của Tổng thư ký Liên hợp quốc đối với các nhà lãnh đạo có mặt tại Hội nghị thượng đỉnh Rio+20 về sáng kiến "Sạch nạn đói"./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục