Hội nghị Tập huấn Công tác Nhân quyền Toàn quốc năm 2023

Hội nghị nhằm đánh giá công tác nhân quyền của Việt Nam; nhận định những thách thức có thể tác động trực tiếp đến công tác bảo vệ, đấu tranh trên lĩnh vực nhân quyền tại Việt Nam.
Hội nghị Tập huấn Công tác Nhân quyền Toàn quốc năm 2023 ảnh 1Quang cảnh hội nghị. (Nguồn: Vietnam+)

Ngày 16/8/2023, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Nhân quyền Chính phủ phối hợp với Ban Chỉ đạo về Nhân quyền tỉnh Kiên Giang tổ chức Hội nghị Tập huấn Công tác Nhân quyền Toàn quốc năm 2023 tại Kiên Giang.

Hội nghị nhằm đánh giá tình hình thế giới, khu vực và trong nước có liên quan công tác nhân quyền của Việt Nam; nhận định những thách thức có thể tác động trực tiếp đến công tác bảo vệ, đấu tranh trên lĩnh vực nhân quyền tại Việt Nam và giải pháp trọng tâm thời gian tới.

Tham dự hội nghị có Phó Giáo sư, Tiến sỹ Lê Hải Bình, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Trung tướng Đặng Xuân Hồng, Chánh Văn phòng Thường trực Nhân quyền Chính phủ; ông Nguyễn Lưu Trung, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân, Trưởng Ban Chỉ đạo Nhân quyền tỉnh Kiên Giang cùng hơn 250 đại biểu đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành 43 tỉnh, thành phố.

Hội nghị Tập huấn Công tác Nhân quyền Toàn quốc năm 2023 diễn ra trong bối cảnh năm đầu tiên Việt Nam là thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025, đang triển khai có hiệu quả các nghĩa vụ quốc tế về quyền con người như: bảo vệ Báo cáo Quốc gia Thực thi Công ước về Xóa bỏ mọi Hình thức Phân biệt Chủng tộc (CERD) lần thứ 5; Hoàn thành và nộp báo cáo quốc gia thực thi Công ước về các Quyền Dân sự, Chính trị (ICCPR); Xây dựng Báo cáo Quốc gia lần thứ 2 về thực hiện Công ước Chống Tra tấn (CAT); Xây dựng Dự thảo Báo cáo Quốc gia theo Cơ chế Rà soát Định kỳ Phổ quát (UPR) chu kỳ IV của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc...

[Việt Nam quyết tâm đảm bảo người dân hưởng đầy đủ quyền con người]

Phát biểu khai mạc, Trung tướng Đặng Xuân Hồng, Chánh Văn phòng Thường trực Nhân quyền Chính phủ nhận định tình hình thế giới hiện nay có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, tác động, ảnh hưởng trực tiếp tới an ninh quốc gia của Việt Nam, các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thông tuy nằm trong dự báo nhưng vẫn mang tính đột xuất, bất ngờ, để lại hậu quả nghiêm trọng, tác động ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội và sự ổn định thể chế, nhất là khi các hoạt động chống phá trên lĩnh vực dân chủ, nhân quyền luôn là “mũi nhọn” của các thế lực thù địch.

Do vậy, công tác nhân quyền có vai trò đặc biệt quan trọng; là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài để giữ vững ổn định bên trong, phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quyền con người trên; tạo cơ sở vững chắc cho công tác đấu tranh phản bác.

Ông Nguyễn Lưu Trung, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân, Trưởng Ban Chỉ đạo Nhân quyền tỉnh Kiên Giang, cho biết thời gian qua, tình hình kinh tế-xã hội của Kiên Giang có nhiều bước chuyển biến tích cực, quốc phòng, an ninh được đảm bảo. Các chủ trương, chính sách được triển khai kịp thời, hiệu quả góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân nhất là trong công tác xóa đói, giảm nghèo; thực hiện đẳng giới; tự do tín ngưỡng, tôn giáo... Công tác đấu tranh với các hoạt động lợi dụng các vấn đề dân chủ, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo đạt hiệu quả tích cực.

Hội nghị Tập huấn Công tác Nhân quyền Toàn quốc năm 2023 ảnh 2Ông Nguyễn Lưu Trung, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân, Trưởng Ban Chỉ đạo Nhân quyền tỉnh Kiên Giang, phát biểu. (Nguồn: Vietnam+)

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, kinh tế-xã hội vẫn chưa phát triển bền vững; phục hồi và phát triển kinh doanh trên địa bàn tỉnh còn chưa thật sự ổn định; đôi khi còn xảy ra tình trạng thiếu cục bộ thuốc, vật tư y tế gây ảnh hưởng đến công tác khám, chữa bệnh cho người dân; tình hình an ninh, trật tự còn tiểm ẩn yếu tố phức tạp để các thế lực thù địch lợi dụng, tạo cớ xuyên tạc, vu cáo.

Vì thế, Hội nghị Tập huấn Công tác Nhân quyền năm 2023 có vai trò, ý nghĩa quan trọng cả về lý luận và thực tiễn trong công tác bảo vệ, đấu tranh trên lĩnh vực nhân quyền.

Tại hội nghị, các đại biểu được nghe các báo cáo viên trình bày các chuyên đề: Đẩy mạnh thông tin đối ngoại về quyền con người; Quyền của người lao động trong các công ước/điều ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam đã tham gia hoặc ký kết; Đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và hoạt động lợi dụng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo chống phá Việt Nam; Đấu tranh, thu thập thông tin, lợi dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền can thiệp nội bộ Việt Nam; Công tác nhân quyền trong tình hình mới.

Hội nghị Tập huấn Công tác Nhân quyền Toàn quốc được tổ chức định kỳ hằng năm, nhằm cập nhật những thông tin mới nhất về dân chủ nhân quyền; thống nhất về nhận thức cho đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác nhân quyền; tạo diễn đàn chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm thực tiễn, giải đáp những khó khăn, vướng mắc, góp phần thiết thực đưa công tác bảo đảm, bảo vệ và đấu tranh nhân quyền từ Trung ương đến các địa phương ngày càng hiệu quả và thực chất hơn./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục