Hội nghị thượng đỉnh APEC bàn về khủng hoảng kinh tế

Khủng hoảng kinh tế đang đẩy thế giới vào vòng xoáy suy thoái và những nỗ lực tăng cường phản ứng quốc tế sẽ là chủ đề chính của Hội nghị thượng đỉnh diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC), diễn ra tại Peru từ 21-23/11 tới.

Khủng hoảng kinh tế đang đẩy thế giới vào vòng xoáy suy thoái và những nỗ lực tăng cường phản ứng quốc tế sẽ là chủ đề chính của Hội nghị thượng đỉnh diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC), diễn ra tại Peru từ 21-23/11 tới.

Chủ tịch Uỷ ban Cấp cao APEC-Peru, Luis Giampietri cho biết, tham dự hội nghị sẽ có hơn 3.600 đại biểu đến từ 21 nước và vùng lãnh thổ thành viên APEC (Mỹ, Australia, Bruney, Canada, Chil, Trung Quốc, Indonesia, Nhật Bản, Hongkong, Hàn Quốc, Malaysia, Mexico, New Zealand, Papua New Guinea, Peru, Philippines, Nga, Singapore, Đài Loan, Thái Lan và Việt Nam), trong đó Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc có thành phần tham dự đông nhất ( 900, 500 và 300 đại biểu).

Đây sẽ là hội nghị có số đại biểu tham dự đông nhất trong lịch sử APEC, khối chiếm tới 50% thương mại và gần 60% GDP của thế giới, và cũng là hội nghị đa phương cuối cùng của ông George W. Bush, với tư cách là Tổng thống Mỹ, do ông này sẽ rời nhiệm sở vào tháng 1/2009.

Tại hội nghị, Thủ tướng Canađa sẽ trình bày bản tham luận về những tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế và tài chính đối với những ưu tiên của APEC, trong khi Tổng thống Mêhicô Felipe Calderon và vị nguyên thủ quốc gia của Colombia Alvaro Uribe sẽ đánh giá những ảnh hưởng của tình trạng hỗn loạn này đối với khu vực Mỹ Latinh và thế giới.

Chủ tịch nước Trung Quốc Hồ Cẩm Đào sẽ tập trung vào quyết tâm của nước này đối với sự phát triển bền vững, vấn đề được coi là rất quan trọng do tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đang chậm lại, ngay cả khi nước này đã trở thành nước thải ra lượng khí gây hiệu ứng nhà kính nhiều nhất thế giới.

Hội nghị này sẽ khai mạc 5 ngày sau Hội nghị thượng đỉnh nhóm G20 tại Washington - sự kiện cũng được mở ra để tập trung thảo luận cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu và nhấn mạnh sự cần thiết phải cải tổ lại Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Ngân hàng Thế giới, cũng như cải tiến các quy định quản lý hệ thống tài chính toàn cầu đang tỏ ra không còn phù hợp.

Hội nghị thượng đỉnh APEC dự kiến kết thúc vài ngày trước khi diễn ra cuộc họp cấp bộ trưởng và các quan chức khác tại Lima để tìm cách thúc đẩy thương mại và thảo luận các vấn đề khác tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, kéo dài từ Australia cho tới Nga./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục