Hội nghị thượng đỉnh đặc biệt của EU: Tự định hình lại

Hội nghị thượng đỉnh của các lãnh đạo quốc gia và chính phủ ở EU lần này được lên kế hoạch như là một Hội nghị thượng đỉnh đặc biệt.
Hội nghị thượng đỉnh đặc biệt của EU: Tự định hình lại

Theo trang mạng zeit.de/focus.de, Navalny, Belarus, tranh chấp ở Địa Trung Hải: Liên minh châu Âu (EU) phải giải quyết nhiều vấn đề về chính sách đối ngoại tại Hội nghị thượng đỉnh của khối diễn ra trong hai ngày 1-2/10 vừa qua, tại Brussels.

Về cơ bản, năng lực hành động chung của liên minh này vẫn còn thiếu, song đang có sự thay đổi theo hướng tích cực hơn.

Hội nghị thượng đỉnh của các lãnh đạo quốc gia và chính phủ ở EU lần này được lên kế hoạch như là một Hội nghị thượng đỉnh đặc biệt.

Ban đầu các lãnh đạo EU muốn bàn thảo về mối quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ vì nước này đang có tranh chấp lãnh thổ với hai quốc gia EU là Hy Lạp và Cyprus trên Biển Địa Trung Hải.

Hy Lạp và Cyprus đã nhiều lần yêu cầu EU thể hiện tình đoàn kết mạnh mẽ hơn nhằm chống lại sự hung hăng từ Thổ Nhĩ Kỳ. Vì thế, Hội nghị lần này sẽ phát đi một tín hiệu rõ ràng cho điều đó.

Nhưng bên cạnh vấn đề Thổ Nhĩ Kỳ, còn nhiều nội dung khác như cuộc bầu cử Tổng thống Belarus, vụ thủ lĩnh đối lập Nga Alexej Navalny bị đầu độc, cuộc xung đột giữa Armenia và Azerbaijan hay sự tự tin ngày càng thái quá của Trung Quốc, cũng cần phải được đưa ra bàn thảo.

Vì vậy, Hội nghị thượng đỉnh theo dự kiến ban đầu về Thổ Nhĩ Kỳ đã trở thành Hội nghị thượng đỉnh đặc biệt về chính sách đối ngoại toàn diện của liên minh gồm 27 quốc gia châu Âu này.

Người ta phải nhìn vào cội rễ của những vấn đề để có thể hiểu được những thách thức mà EU đang phải đối mặt. Không một vấn đề nào trong số các nội dung trên EU có thể tự do lựa chọn đưa ra thảo luận. Mọi vấn đề đều là sự lựa chọn bắt buộc đối với liên minh này, không thể chọn khác đi được.

Nói cách khác, EU luôn phải ở trong thế "bị động phòng thủ." Dường như liên minh này đang thiếu đi sức mạnh để định hình chính sách đối ngoại của mình. Những gì EU đang tích cực bảo vệ ngày càng trở nên rõ ràng hơn, dễ bị tổn thương hơn: nền dân chủ tự do dựa trên pháp quyền và trật tự quốc tế đa phương. Đó đều là những nền tảng cốt lõi của EU.

Trong cuộc chiến này, giờ đây châu Âu không còn có thể dựa vào bất cứ ai nữa, kể cả đồng minh rất quan trọng là Mỹ. Hiện đã có sự đồng thuận rộng rãi trong EU về vấn đề này. Nhưng điều gì sẽ xảy ra tiếp theo?

[Các nhà lãnh đạo EU nhất trí trừng phạt Belarus, cảnh cáo Thổ Nhĩ Kỳ]

Ông Emmanuel Macron đã bất ngờ giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Pháp năm 2017 với đường lối tranh cử thân châu Âu.

Một trong những khẩu hiệu chính của ông là: "Tôi muốn bảo vệ châu Âu" - một châu Âu có chủ quyền. Không phải ngẫu nhiên mà Tổng thống Pháp luôn nỗ lực thúc đẩy các cuộc tranh luận về chủ quyền của châu Âu. Không giống như bất cứ quốc gia "Lục địa già" nào khác- ngoại trừ Vương quốc Anh đã ra khỏi EU, nước Pháp có truyền thống về tư duy chiến lược.

Ngay cả khi không phải là một cường quốc thế giới, giới lãnh đạo Paris vẫn luôn nghĩ suy về vị thế của một cường quốc. Điều đó có vẻ rất mơ hồ vì thực lực của Pháp hiện không đủ để đạt được vị thế này. Nhưng, việc ít nhất một trong số các thành viên EU luôn suy nghĩ về vị thế cường quốc cũng đã là điều hữu ích đối với liên minh rồi.

EU phải tự coi mình là một cường quốc thế giới nếu muốn tiếp tục tồn tại và thành công. Về điều này, Thủ tướng Đức Angela Merkel chưa bao giờ nói đến một cách rõ ràng, nhưng năm 2017 bà đã phát biểu rằng: "Người châu Âu chúng ta phải tự mình định hình số phận của mình."

Tất nhiên, tư cách cường quốc thế giới không có nghĩa là trong mọi hoàn cảnh, mọi thời điểm, châu Âu đều sử dụng các phương diện quân sự để đe dọa các nước khác, mà điều đó có nghĩa là châu Âu có thể hình thành, đại diện và thực thi lợi ích chung của mình.

Việc này không hề dễ dàng, bởi 27 thành viên EU đôi khi có những lợi ích rất trái ngược nhau. Nhưng trong những năm gần đây, EU đã nhiều lần cho thấy bất chấp những khác biệt lớn, 27 quốc gia thành viên đều hiểu rằng liên minh chỉ có thể tồn tại như một khối thống nhất nếu họ gắn kết chặt chẽ với nhau và cùng nhìn về một hướng.

Vì thế, 27 quốc gia đã cùng chung chiến tuyến khi Anh cương quyết rời khỏi liên minh (còn gọi là Brexit), khi Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đẩy người di cư và tị nạn đến biên giới Hy Lạp; và giờ đây 27 thành viên lại tiếp tục sát cánh cùng nhau đứng về phía người dân Belarus chống lại vị Tổng thống độc tài Alexander Lukashenko. Đó vẫn chưa phải là quyền tự chủ chiến lược mà mới chỉ là việc EU có thể tự nhìn lại và định hình lại chính mình.

Còn có rất nhiều ví dụ sống động cho thấy EU chưa thể đi quá xa được, ví dụ như EU đã để mất vai trò ở Libya, Syria, Trung Đông hay nhiều nơi khác; và liệu EU có thể đứng vững trước Nga, hay có thể đoàn kết trước chiến thuật "chia để trị" ngày càng tăng từ Trung Quốc hay không vẫn còn chưa chắc chắn.

Nhưng thật tốt khi những tín hiệu của một EU thống nhất, tự tin hơn trong chính sách đối ngoại và có khả năng hành động tập thể đã trở nên rõ ràng hơn trong những năm gần đây.

EU đang trên con đường hướng tới quyền tự chủ chiến lược. Và số phận của liên minh này phụ thuộc vào việc nó có thể tiến đủ nhanh về phía trước hay không./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục