Hội nghị thượng đỉnh đầu tiên của nhóm BRIC

Hội nghị thượng đỉnh đầu tiên của nhóm BRIC đã khai mạc ngày 16/6 tại thành phố Yekaterinburg, Nga với sự tham gia của nguyên thủ 4 quốc gia có tốc độ tăng trưởng mạnh trên thế giới, gồm Nga, Trung Quốc, Brazil và Ấn Độ.

Hội nghị thượng đỉnh đầu tiên của nhóm BRIC đã khai mạc ngày 16/6 tại thành phố Yekaterinburg, Nga với sự tham gia của nguyên thủ 4 quốc gia có tốc độ tăng trưởng mạnh trên thế giới, gồm Nga, Trung Quốc, Brazil và Ấn Độ.

Cuộc gặp đầu tiên này đánh dấu sự xuất hiện chính thức của nhóm này trên vũ đài quốc tế.

Phát biểu trong lễ khai mạc, Tổng thống nước chủ nhà Dmitry Medvedev cho biết tình hình kinh tế thế giới hiện nay sẽ là nội dung chính trong chương trình nghị sự của hội nghị.

Ngoài ra, các nhà lãnh đạo dự kiến thảo luận về hệ thống tài chính thế giới, cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, hợp tác năng lượng và bảo vệ môi trường. Nguyên thủ các nước cũng xem xét việc thực hiện những thỏa thuận đã đạt được tại Hội nghị thượng đỉnh G20 diễn ra đầu tháng 4 vừa qua tại London, Anh.

Trong khi đó, phát biểu bên lề hội nghị, cố vấn kinh tế hàng đầu của Điện Kremlin cho biết Nga có thể chuyển các khoản đầu tư, các quỹ dự trữ của nước này từ đồng USD sang trái phiếu do Trung Quốc, Ấn Độ hoặc Brazil phát hành nếu các nước này cũng hành động như vậy.

Theo kế hoạch, hội nghị sẽ kết thúc với việc ký Tuyên bố chung giữa các nước thành viên.

Nga, Trung Quốc, Brazil và Ấn Độ là những nền kinh tế chủ chốt đang nổi lên trên thế giới, góp phần thúc đẩy kinh tế toàn cầu tăng trưởng. Đây là những nước đóng vai trò quan trọng trong việc bình ổn nền kinh tế thế giới trong bối cảnh khủng hoảng tài chính-kinh tế toàn cầu lan rộng.

Các nước thành viên BRIC chiếm 42% dân số thế giới, 14,6% GDP toàn cầu, 33% dự trữ ngoại tệ thế giới, và 12,8% khối lượng giao dịch thương mại thế giới trong năm 2008.

BRIC được nhận định sẽ là một tổ chức quốc tế có ảnh hưởng đối với cục diện chính trị và kinh tế thế giới, tiếp sau Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G8) và Nhóm các nền kinh tế phát triển và đang nổi (G20)./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục