Hội nghị thượng đỉnh thường niên SADC thúc đẩy hợp tác nội khối

Hội nghị lần này đã phê duyệt Nghị định thư về công nghiệp nhằm thúc đẩy phát triển nền tảng công nghiệp đa dạng, sáng tạo, thúc đẩy sản xuất, chế biến và cạnh tranh toàn cầu.
Hội nghị thượng đỉnh thường niên SADC thúc đẩy hợp tác nội khối ảnh 1Người dân chờ lương thực cứu trợ tại Gode, đông nam Ethiopia. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 18/8, Hội nghị thượng đỉnh thường niên của Cộng đồng Phát triển miền Nam châu Phi (SADC) lần thứ 39 đã bế mạc và thông qua nhiều quyết nghị quan trọng về phát triển công nghiệp, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, thương mại nội khối… nhằm tăng cường hội nhập, ổn định và phát triển khu vực.

Hội nghị thượng đỉnh SADC diễn ra trong 2 ngày từ 17-18/8, tại Dar es Salaam của Tanzania, đánh giá sản xuất lương thực tổng thể của niên vụ 2018-2019 trong khu vực bị suy giảm và kêu gọi các nước thành viên thực hiện kế hoạch ứng phó toàn diện, lâu dài để đối phó với tình trạng hạn hán liên tục, thiếu lương thực trầm trọng, cũng như thúc đẩy sản xuất nông nghiệp.

Hội nghị SADC 2019 bày tỏ quan ngại về mức tăng trưởng chậm trong thương mại nội khối SADC, cũng như thực trạng khu vực này tiếp tục xuất khẩu nguyên liệu thô, làm mất đi các lợi ích tiềm năng của các nguồn lực tài nguyên.

Hội nghị lần này đã phê duyệt Nghị định thư về công nghiệp nhằm thúc đẩy phát triển nền tảng công nghiệp đa dạng, sáng tạo, thúc đẩy sản xuất, chế biến và cạnh tranh toàn cầu.

[Triển vọng chính sách xoay trục về châu Phi của Mauritius?]

Tại hội nghị lần này, các nước thành viên đã thống nhất phê chuẩn tiếng Kiswahili là ngôn ngữ làm việc chính thức thứ 4 của SADC, ngoài tiếng Anh, tiếng Bồ Đào Nha và tiếng Pháp.

Tiếng Kiswahili (hay Swahili) là ngôn ngữ hệ Bantu, được sử dụng phổ biến ở Khu vực Hồ Lớn châu Phi và nhiều nước thuộc phía Đông và Đông Nam châu Phi.

Hội nghị thượng đỉnh SADC 2019 ghi nhận Burundi đã đáp ứng nhiều tiêu chí và đủ điều kiện để được kết nạp làm thành viên mới của SADC.

Ghi nhận tác động tiêu cực của các lệnh trừng phạt do Mỹ, Phương Tây áp dụng đối với nền kinh tế Zimbabwe và của khu vực, hội nghị khu vực lần này bày tỏ tình đoàn kết với Zimbabwe và kêu gọi dỡ bỏ ngay lập tức các biện pháp trừng phạt đối với quốc gia này để tạo điều kiện phục hồi kinh tế-xã hội của Zimbabwe.

Hội nghị SADC tuyên bố chọn ngày 25/10 hàng năm để tất cả các quốc gia thành viên SADC có thể cùng nhau lên tiếng phản đối các biện pháp trừng phạt thông qua các hoạt động và diễn đàn khác nhau nhằm bày tỏ tình đoàn kết đối với người dân và đất nước Zimbabwe./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục