Hội nghị thượng đỉnh vì dân chủ thay đổi chính sách Trung Đông của Mỹ?

Bất chấp những lời lẽ mạnh mẽ, chính sách của Mỹ đối với Trung Đông có khả năng sẽ tiếp tục duy trì sự ủng hộ lâu nay đối với sự cai trị chuyên chế tại khu vực này.
Hội nghị thượng đỉnh vì dân chủ thay đổi chính sách Trung Đông của Mỹ? ảnh 1Binh sỹ Mỹ tuần tra trên đường phố phía Tây Baquba, Iraq. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trang mạng eurasiareview.com đưa tin Mỹ đã báo hiệu trước rằng Hội nghị thượng đỉnh vì dân chủ trong tuần này khó có khả năng biến những lời nói đãi bôi về việc tôn trọng nhân quyền và các giá trị dân chủ ở Trung Đông thành một chính sách thể hiện sự nghiêm túc và có cam kết rõ ràng.

Trong một tuyên bố, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết hội nghị thượng đỉnh ngày 9-10/12 sẽ “đặt ra một chương trình nghị sự khẳng định việc khôi phục nền dân chủ và giải quyết những mối đe dọa lớn nhất mà các nền dân chủ ngày nay phải đối mặt thông qua hành động tập thể.”

Trước thềm hội nghị này, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết họ đã tham khảo ý kiến của các chuyên gia chính phủ, các tổ chức đa phương và các tổ chức xã hội dân sự “để thu thập những ý tưởng táo bạo, có thể thực hiện được” nhằm "chống lại chủ nghĩa độc tài,” “thúc đẩy tôn trọng nhân quyền” và chống tham nhũng.

[Iran: Những biện pháp trừng phạt mới sẽ không mang lại lợi thế cho Mỹ]

Trong số hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ cùng với các đại diện xã hội dân sự và khu vực tư nhân dự kiến sẽ tham gia hội nghị thượng đỉnh này, chỉ có Israel là đến từ Trung Đông và chỉ có 8 quốc gia là các quốc gia đa số theo đạo Hồi - gồm Indonesia, Malaysia, Pakistan, Albania, Iraq, Kosovo, Niger và Maldives.

Tổng thống Mỹ Joe Biden đã biến sự cạnh tranh giữa dân chủ và chuyên quyền trở thành một trụ cột trong chính sách của chính quyền Mỹ và coi đây là cốt lõi của sự cạnh tranh giữa Mỹ với Trung Quốc.

Ông Biden nói: “Chúng ta đang trong một cuộc cạnh tranh… với những kẻ chuyên chế và các chính phủ chuyên quyền trên khắp thế giới, về việc liệu các nền dân chủ có thể cạnh tranh với họ trong thế kỷ XXI đang thay đổi nhanh chóng hay không."

Tuy nhiên, những tuyên bố gần đây của Lầu Năm Góc và của một quan chức Nhà Trắng cho thấy rằng bất chấp những lời lẽ mạnh mẽ, chính sách của Mỹ đối với Trung Đông có khả năng sẽ tiếp tục duy trì sự ủng hộ lâu nay đối với sự cai trị chuyên chế tại khu vực này với niềm tin rằng điều đó sẽ đảm bảo cho sự ổn định.

Các cuộc nổi dậy diễn ra phổ biến trong thập kỷ trước từng lật đổ các nhà lãnh đạo của Ai Cập, Tunisia, Yemen, Libya, Algeria, Sudan, Iraq và Liban cho thấy rằng việc cố gắng che đậy (các mâu thuẫn, xung đột trong xã hội) không phải là một giải pháp.

Điều đó đúng ngay cả khi thành quả của các cuộc nổi dậy bị các lực lượng phản cách mạng được vùng Vịnh hỗ trợ làm suy yếu hoặc những thành quả đó không tạo ra được những thay đổi thực sự.

Các quốc gia vùng Vịnh đã nhận ra rằng việc che đậy như vậy không còn có tác dụng nữa. Do đó, các quốc gia như Saudi Arabia và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UEA) đã phát triển các kế hoạch và chính sách đáp nhằm ứng nguyện vọng của giới trẻ về cải cách kinh tế và xã hội đồng thời trấn áp các quyền tự do chính trị.

Mỹ dường như đang trông mong vào sự thành công của những cải cách đó và những nỗ lực của khu vực nhằm quản lý các cuộc xung đột để chúng không vượt quá tầm kiểm soát.

Trên cơ sở đó, Mỹ duy trì một chính sách khác xa với việc đứng lên đấu tranh vì nhân quyền và dân chủ. Trên thực tế, đó là một chính sách không khác gì so với việc Trung Quốc và Nga ủng hộ các chế độ chuyên quyền ở Trung Đông.

Những bình luận liên tục cả công khai và kín đáo của Mỹ đề cập tới nhân quyền và các giá trị dân chủ cũng như thỉnh thoảng là những bước đi nhỏ nhằm hạn chế việc buôn bán vũ khí không làm thay đổi cơ bản mọi thứ.

Sự lựa chọn đối tác của Mỹ khi cần ứng phó với các cuộc nổi dậy và hỗ trợ cho quá trình chuyển đổi chính trị cũng tương tự như vậy.

Để đối phó với cuộc nổi dậy ở Sudan vào năm 2019 từng lật đổ Tổng thống Omar al-Bashir và một cuộc đảo chính quân sự cũng tại quốc gia này vào tháng 10 vừa qua, cả chính quyền Trump và Biden đều quay sang Saudi Arabia, UAE, Ai Cập và Israel.

Mặc dù Israel là một nền dân chủ, song không có đối tác nào của Mỹ ủng hộ các giải pháp dân chủ cho các cuộc khủng hoảng về quản trị.

Điều phối viên phụ trách khu vực Trung Đông của Nhà Trắng Brett McGurk đã báo hiệu điều này trong một cuộc phỏng vấn với The National - tờ báo tiếng Anh hàng đầu của UAE - ngay sau hội nghị thượng đỉnh an ninh quy tụ các quan chức trên toàn cầu ở Bahrain.

Các quan chức Mỹ do Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin dẫn đầu đã tìm cách tận dụng hội nghị này để trấn an các đồng minh của Mỹ rằng Washington không quay lưng lại với việc đảm bảo an ninh cho khu vực.

Hội nghị thượng đỉnh vì dân chủ thay đổi chính sách Trung Đông của Mỹ? ảnh 2Điều phối viên phụ trách khu vực Trung Đông của Nhà Trắng Brett McGurk. (Nguồn: AP)

Ông McGurk nói rằng Mỹ đã rút ra kết luận từ “những bài học kinh nghiệm khó khăn” và đang "quay trở lại những điều cơ bản.”

Ông cho biết Mỹ sẽ tập trung vào "những điều cơ bản của việc xây dựng, duy trì và củng cố các mối quan hệ đối tác và các liên minh của chúng ta" ở Trung Đông.

Phát biểu rõ ràng của ông McGurk về việc "quay trở lại những điều cơ bản" đã được củng cố hơn nữa trong tuần khi “Bản đánh giá Động thái Toàn cầu” của Lầu Năm Góc được công bố, trong đó cho thấy rằng các lực lượng Mỹ sẽ không có động thái rút quân lớn nào khỏi khu vực trong những năm đầu tiên cầm quyền của ông Biden.

Khái niệm "quay trở lại những điều cơ bản" phù hợp với quan điểm của những người theo chủ nghĩa tự do trong giới tinh hoa chính sách đối ngoại của Washington. Dân chủ ở Trung Đông không còn nằm trong chương trình nghị sự của họ.

Trước cả khi ông Biden nhậm chức, chuyên gia Steven A. Cook của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Trung Đông đã nói: “Thay vì sử dụng sức mạnh của Mỹ để tái cấu trúc khu vực… các nhà hoạch định chính sách cần phải theo đuổi mục tiêu thực tế và khả thi hơn là thiết lập và duy trì sự ổn định.'

Ông nói thêm rằng những gì Washington cần không phải là một "cuộc chiến chống khủng bố" được xây dựng dựa trên tầm nhìn về thay đổi chế độ, thúc đẩy dân chủ và "giành được trái tim và khối óc" của mọi người, mà là một cách tiếp cận thực tế tập trung vào việc thu thập thông tin tình báo, công tác của cảnh sát, hợp tác đa phương và sử dụng bạo lực một cách khôn ngoan khi cần thiết.

Theo chuyên gia này, một chính sách Trung Đông có tính thực tế của Mỹ sẽ liên quan đến việc “kiềm chế Iran, trang bị lại cho cuộc chiến chống khủng bố để giảm các tác dụng phụ không mong muốn, tổ chức lại các hoạt động triển khai quân sự để chú trọng tới việc bảo vệ các tuyến đường biển và giảm quy mô của mối quan hệ Mỹ-Israel nhằm phản ánh ảnh hưởng chỉ ở mức tương đối của Israel.”

Mỹ cũng giống như nhiều nước khác khi vẫn đầu tư tiền vào làm ăn ở những quốc gia mà họ chỉ trích về vấn đề dân chủ và nhân quyền.

Các quốc gia châu Âu và Indonesia, nền dân chủ có số dân theo đạo Hồi lớn nhất thế giới, cũng tương tự như vậy.

Thông qua Nahdlatul Ulama - phong trào xã hội dân sự Hồi giáo lớn nhất thế giới, Indonesia trực tiếp và gián tiếp quảng cáo bản thân là quốc gia ủng hộ quan trọng duy nhất cho Hồi giáo ôn hòa khi tôn trọng nhân quyền mà không hề có sự do dự, tôn trọng chủ nghĩa đa nguyên và có sự khoan dung tôn giáo.

Tuy nhiên, điều đó đã không ngăn được Indonesia bị Saudi Arabia đe dọa không công nhận giấy chứng nhận tiêm chủng ngừa COVID-19 của những người Indonesia muốn hành hương đến thánh địa Mecca và Medina nếu quốc gia châu Á này bỏ phiếu ủng hộ Liên hợp quốc mở rộng cuộc điều tra về các hành vi vi phạm nhân quyền trong cuộc chiến kéo dài gần 7 năm ở Yemen.

Tương tự, Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã ký các thỏa thuận với UAE về hợp tác trong các vấn đề tôn giáo mặc dù "phiên bản" Hồi giáo ôn hòa nhưng chuyên quyền của UAE bác bỏ các quyền tự do và dân chủ.

Các thỏa thuận này là một phần của một gói hợp tác kinh tế, công nghệ và y tế lớn hơn, trong đó UAE cam kết sẽ đầu tư 32,7 tỷ USD vào Indonesia.

Thực chất, hành động có phần bất đắc dĩ của chính quyền Biden, cùng với hàng loạt các tổng thống Mỹ trước đây, khi chỉ nói đãi bôi để thúc đẩy nhân quyền và các giá trị dân chủ khiến chúng ta nhớ đến một câu nói nổi tiếng của Albert Einstein rằng thật điên rồ khi "lặp đi lặp lại một việc hết lần này đến lần khác và mong đợi đạt được những kết quả khác nhau.”

Cựu Tổng thống Mỹ George W. Bush và Cố vấn An ninh Quốc gia của ông khi đó, Condoleezza Rice, thừa nhận cách đây 2 thập kỷ rằng bạo lực thánh chiến và vụ tấn công 11/9 một phần là kết quả của việc Mỹ không nghiêm túc bảo vệ các giá trị của mình. Tuy nhiên, họ đã nỗ lực một cách vụng về để làm được điều gì đó, như Barak Obama đã làm.

Không chỉ Trung Đông và các chế độ chuyên chế ở các khu vực khác phải trả giá. Mỹ và châu Âu cũng vậy. Việc họ không thể đưa các lý tưởng và giá trị cao cả của mình vào các chính sách hiệu quả ngày càng được thể hiện rõ ở trong nước qua tình trạng phân biệt chủng tộc và "các vết đứt gãy" xã hội và kinh tế cũng như tâm lý chống người di cư đang đe dọa phá vỡ cấu trúc dân chủ tại chính đất nước của họ.

Việc không chú ý tới câu danh ngôn của Einstein và không nhận ra cái giá phải trả khi "nói một đằng, làm một nẻo" không chỉ khiến Mỹ mất uy tín, mà còn dẫn tới sự trỗi dậy của các lực lượng theo chủ nghĩa biệt lập, độc tài, bài ngoại, phân biệt chủng tộc và âm mưu thách thức các giá trị là gốc rễ của dân chủ, nhân quyền.

Điều đó làm dấy lên câu hỏi liệu thời gian, sức lực và tiền bạc đầu tư cho Hội nghị thượng đỉnh vì dân chủ có nên tốt hơn là đầu tư vào việc khắc phục các vấn đề ở ngay chính nước Mỹ hay không. Janan Ganesh của tờ Financial Times đã kết luận rằng "củng cố nền dân chủ gần như hoàn toàn là công việc nội bộ."

Đó là một thông điệp không bao giờ bị mất đi đối với các đối thủ của nền dân chủ. Như một lời cảnh báo rằng các sự kiện chỉ nhằm đưa ra những tuyên bố hời hợt như Hội nghị thượng đỉnh vì dân chủ không phải là câu trả lời, tháng Chín vừa qua, Tổng thống Iran Ebrahim Raisi đã phát biểu trước Đại hội đồng Liên hợp quốc: “Hệ thống bá quyền của Mỹ không có uy tín, ở cả trong và ngoài nước Mỹ"./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục