Hội nghị tổng kết thi hành Luật Thanh tra và Luật Tiếp công dân

Ngày 12/12, tại Hà Nội, Thanh tra Chính phủ tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết 6 năm thi hành Luật Thanh tra và 3 năm thi hành Luật Tiếp công dân.
Hội nghị tổng kết thi hành Luật Thanh tra và Luật Tiếp công dân ảnh 1Quang cảnh hội nghị. (Ảnh: Nguyễn Dân/TTXVN)

Ngày 12/12, tại Hà Nội, Thanh tra Chính phủ tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết 6 năm thi hành Luật Thanh tra và 3 năm thi hành Luật Tiếp công dân.

Đồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ dự và chỉ đạo hội nghị.

Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái đánh giá​ công tác tiếp công dân cũng như công tác thanh tra luôn được Đảng, Quốc hội và Chính phủ, các cấp, các ngành đặc biệt quan tâm và coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng của toàn hệ thống chính trị.

Qua 6 năm thực hiện Luật Thanh tra, các cơ quan thanh tra đã triển khai toàn diện các cuộc thanh tra trên các lĩnh vực quản lý nhà nước, đặc biệt tập trung vào những vấn đề nổi cộm, bức xúc của xã hội, góp phần tăng cường trật tự, kỷ cương quản lý nhà nước.

Tuy nhiên, thực tiễn thi hành Luật Thanh tra cũng chỉ ra những hạn chế, yếu kém, nhất là tình trạng thanh tra chồng chéo, trùng lắp, kéo dài thời hạn thanh tra, thậm chí còn tiêu cực trong hoạt động thanh tra.

Thanh tra Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương cũng tập trung chỉ đạo quyết liệt đối với công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, đặc biệt là những vụ việc phức tạp, tồn đọng, kéo dài, góp phần ổn định tình hình chính trị, trật tự, an toàn xã hội.

Mặc dù có những chuyển biến tích cực song tình hình khiếu nại, tố cáo vẫn tiềm ẩn nguy cơ bất ổn, biểu hiện như khiếu nại liên quan đến vấn đề chính trị, tôn giáo, yếu tố nước ngoài, nhiều người tham gia, bị các thế lực lợi dụng, một số nơi xuất hiện điểm nóng…

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng thường trực Trương Hoà Bình khẳng định, trong thời gian qua, việc thi hành Luật Thanh tra và Luật Tiếp công dân đã đạt được nhiều kết quả tích cực.

Từ khi Luật Thanh tra năm 2010 có hiệu lực đến nay, công tác thanh tra đã có những chuyển biến tích cực trên nhiều mặt, các cơ quan thanh tra nhà nước đã tích cực thực hiện vai trò tham mưu trong công tác quản lý nhà nước về thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng.

[Các vụ khiếu nại, tố cáo giảm nhưng diễn biến phức tạp]

Tuy nhiên, thực tiễn thi hành Luật Thanh tra qua hơn 6 năm cho thấy vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập; còn nhiều việc quan trọng, thiết thực cần phải làm rõ, trong đó có những việc cần phải làm ngay để đáp ứng mong đợi của nhân dân và thực tiễn quản lý nhà nước.

Để nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác thanh tra trong thời gian tới, Phó Thủ tướng thường trực Trương Hoà Bình lưu ý các bộ, ngành, địa phương cần lưu ý, quán triệt một số nội dung: Triển khai đúng, kịp thời, có hiệu quả công tác thanh tra theo định hướng và kế hoạch thanh tra đã được Thủ tướng Chính phủ, thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước phê duyệt; Quán triệt sâu sắc và thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 20/2017/CT-TTg ngày 17/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về chấn chỉnh hoạt động, công tác thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp; Đổi mới phương pháp, cách thức chỉ đạo, điều hành hoạt động thanh tra từ Thanh tra Chính phủ tới thanh tra bộ, ngành, địa phương theo hướng nâng cao chất lượng xây dựng và thực hiện kế hoạch cho từng cuộc thanh tra.

Cơ quan chức năng thực hiện nghiêm túc các quy định về quy trình nghiệp vụ và đạo đức công vụ trong công tác thanh tra; bảo đảm hoạt động thanh tra và kết luận thanh tra là khách quan, minh bạch, rõ ràng, cụ thể mức độ sai phạm và thiệt hại, không quá hạn trong hoạt động thanh tra và kết luận thanh tra; Tăng cường theo dõi, đôn đốc, thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý sau thanh tra từ trong nội bộ ngành thanh tra, từ phía các cơ quan nhà nước khác và từ phía xã hội, người dân nhằm nâng cao tỷ lệ thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý sau thanh tra; bảo đảm hiệu lực, hiệu quả của hoạt động thanh tra...

Đánh giá công tác tiếp dân đã đi vào nền nếp và đạt được những kết quả tích cực, giải quyết kịp thời các khiếu nại, tố cáo của nhân dân, tuy nhiên, Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình đã chỉ ra những tồn tại, hạn chế, ảnh hưởng đến công tác quản lý nhà nước nói chung và công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo nói riêng.

Phó Thủ tướng thường trực Trương Hoà Bình đề nghị: Lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương cần lãnh đạo, chỉ đạo sát sao hơn nữa đối với công tác tiếp công dân của địa phương, cơ quan, bố trí địa điểm thuận lợi, bảo đảm các điều kiện cần thiết cho công tác tiếp công dân; Tổ chức tốt công tác tiếp công dân ở tất cả các cấp, các ngành; Chú trọng thực hiện nghiêm chế độ tiếp công dân định kỳ, thường xuyên và đột xuất theo quy định của pháp luật. Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các cấp, thủ trưởng các cơ quan hành chính nhà nước, người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải bố trí thời gian tiếp công dân, trực tiếp gặp và đối thoại với công dân, kịp thời giải quyết đúng chính sách, pháp luật các vụ việc khiếu nại, tố cáo; Ủy ban Nhân dân các cấp chủ động rà soát, nắm tình hình, kịp thời phát hiện và có giải pháp xử lý các trường hợp khiếu kiện đông người, vượt cấp ngay tại cơ sở, hạn chế tối đa khiếu nại đông người, vượt cấp.

Khi công dân tập trung khiếu nại, tố cáo đông người ở các cơ quan Trung ương, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh, thành phố có người khiếu nại, tố cáo phải phân công lãnh đạo và công chức có thẩm quyền phối hợp với Ban tiếp công dân Trung ương, Bộ Công an và các cơ quan chức năng đưa công dân về địa phương để giải quyết…/.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục