Hội nghị Trung ương 7: Cải cách đáp ứng nguyện vọng của người lao động

Nhiều ý kiến của lãnh đạo các cơ quan từ Trung ương đến địa phương và người dân đều cho rằng việc thay đổi chế độ tiền lương đang có nhiều điểm bất cập, là rất cần thiết.
Hội nghị Trung ương 7: Cải cách đáp ứng nguyện vọng của người lao động ảnh 1Đồng chí Nguyễn Đắc Vinh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư tỉnh ủy Nghệ An phát biểu thảo luận Đề án cải cách chính sách tiền lương. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Đề án cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp trình Hội nghị Trung ương lần thứ 7 Khóa XII xem xét, quyết định, đang nhận được sự quan tâm đặc biệt của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân.

Nhiều ý kiến của lãnh đạo các cơ quan từ Trung ương đến địa phương và người dân đều cho rằng, việc thay đổi chế độ tiền lương đang có nhiều điểm bất cập, là rất cần thiết, đáp ứng nguyện vọng của toàn thể người lao động trên cả nước.

Nhiều bất cập tồn tại lâu năm

Qua 4 lần cải cách chính sách tiền lương trong những năm qua đã cải thiện phần nào cuộc sống của người lao động, nhưng vẫn bộc lộ nhiều bất cập.

Từ năm 2003 đến nay đã 11 lần điều chỉnh tăng mức lương tối thiểu chung từ 210.000 đồng lên 1.300.000 đồng/tháng. Tuy vậy, mức lương này vẫn luôn bị đánh giá là chưa thể đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt tối thiểu của cán bộ công chức, viên chức...

Theo tính toán của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, mức lương tối thiểu áp dụng cho khu vực hành chính sự nghiệp hiện nay mới chỉ bằng khoảng 60% so với mức lương tối thiểu tính theo phương pháp nhu cầu tối thiểu và cũng là mức thấp nhất trong toàn nền kinh tế.

Bà Phạm Thị Diễm, Trưởng phòng Tổ chức - Hành chính (Học viện Phụ nữ) cho rằng, đối với cán bộ công chức viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động, tiền lương là phần cơ bản nhất trong thu nhập, nó giúp cho họ và gia đình trang trải các chi tiêu, sinh hoạt, dịch vụ cần thiết.

Theo bà Diễm, chính sách tiền lương hiện nay còn nhiều hạn chế, bất cập. Đối với khu vực công, hệ thống bảng lương chưa phù hợp với vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo, mang nặng tính bình quân, cào bằng, chưa tạo được động lực để người lao động nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả làm việc.

So với các doanh nghiệp tư nhân, mức phụ cấp cho các vị trí lãnh đạo, quản lý trong khu vực nhà nước là quá thấp, trong khi họ phải là người giữ vai trò chính trong điều hành, quản lý công việc.

Điều này không khuyến khích được các công chức, viên chức đang giữ vị trí lãnh đạo trong cơ quan nhà nước làm tốt công việc của mình, nảy sinh tệ nạn tham nhũng.

Mức lương cơ sở mặc dù tăng hàng năm nhưng trung bình lương cán bộ công chức, viên chức vẫn rất thấp so với mặt bằng chung, đặc biệt là thấp hơn nhiều so với khu vực doanh nghiệp, không bảo đảm nhu cầu thiết yếu của đời sống.

Theo bà Phạm Thị Diễm, để đảm bảo mức sống, hầu hết các giảng viên ngoài việc giảng dạy tại Học viện Phụ nữ đều phải dạy thỉnh giảng tại các cơ sở giáo dục khác. Trong một đơn vị sự nghiệp giáo dục, lương của giảng viên và viên chức thuộc các phòng cũng có sự khác biệt: Giảng viên có phụ cấp đứng lớp 25%; viên chức hành chính không có phụ cấp. Trong khi đó, giảng viên chỉ lên lớp khi có giờ, ngoài ra còn có thể làm thêm bên ngoài, cán bộ hành chính làm theo giờ hành chính, không thể có thêm thu nhập nào khác.

Anh Nguyễn Hữu Thành, cán bộ công tác trong một cơ quan công lập ở Hà Nội cho hay, mức lương của một cán bộ mới ra trường hiện nay rất thấp, không đủ để trang trải những nhu cầu tối thiểu của cuộc sống.

Theo anh Thành, nhiều cơ quan tồn tại những bất cập khi một cán bộ có thâm niên nhưng đang ở vị trí công tác rất nhàn rỗi, gần như không làm gì, lại nhận được mức lương rất cao. Trong khi đó, không ít người có trình độ học vấn cao, cống hiến nhiều công sức và thời gian nhưng chỉ được hưởng mức lương rất thấp do thời gian vào biên chế muộn. Sự không công bằng đó sẽ kìm hãm sự phát triển của cá nhân, không tạo ra động lực để cán bộ nhiệt tình cống hiến.

Anh Nguyễn Hữu Thành cho hay, anh cùng nhiều cán bộ trên địa bàn Hà Nội rất quan tâm đến nội dung này trong những ngày vừa qua. Đề án cải cách chính sách tiền lương nếu được Trung ương thông qua sẽ không còn sự "cào bằng" trong việc chi trả tiền lương ở các cơ quan công lập. Điều này sẽ tạo ra sự đột phá không nhỏ mang đến sự công bằng cho người lao động.

Đáp ứng sự mong mỏi của công nhân lao động

Những ngày gần đây, thông các phương tiện thông tin đại chúng, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trên cả nước đang theo dõi sát sao và rất phấn khởi, kỳ vọng nhiều vào các quyết sách quan trọng của Đảng đối với vấn đề tiền lương đang được thảo luận tại Hội nghị Trung ương lần thứ 7.

Nhiều ý kiến đánh giá các giải pháp đề ra trong Đề án thực sự mang tính đột phá, hướng tới những giá trị tiến bộ và công bằng trong phân phối thành quả lao động, chắc chắn sẽ được tuyệt đại đa số cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đón nhận, đồng tình.

Ông Nguyễn Phú Phúc, ở phường Nghi Tàm, quận Tây Hồ (Hà Nội) mong muốn việc cải cách tiền lương sẽ sớm được triển khai. Theo ông Phúc, để đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tận tụy, nhiệt tình và trách nhiệm trong công việc thì chính sách tiền lương phải được cải cách, thực sự lương phải là nguồn thu nhập chính đáp ứng được nhu cầu thiết yếu của gia đình; để khi đến công sở làm việc, công chức, viên chức tận tâm phục vụ, nhiệt huyết với công việc, không vướng bận vào việc suy nghĩ cách kiếm thêm thu nhập từ nguồn khác, đặc biệt tránh tình trạng thu nhập khác cao hơn thu nhập chính.

Phó giáo sư, tiến sỹ Vũ Quang Thọ, Viện trưởng Viện Công nhân-Công đoàn cho biết, việc điều chỉnh những vấn đề liên quan đến tiền lương đã được Nhà nước thực hiện nhiều trong những năm qua như: Điều chỉnh lương tối thiểu, thang bậc lương; cơ chế thực hiện một số chính sách về tiền lương. Tuy nhiên, việc cải cách mang tính cách mạng về tiền lương vẫn đang là việc người dân và công nhân lao động nói chung đã trông chờ từ rất lâu.

Theo phó giáo sư, tiến sỹ Vũ Quang Thọ, để việc cải cách lần này đạt hiệu quả cao, Trung ương nên thống nhất những nguyên tắc để có thể bảo đảm cho người lao động yên tâm sống bằng đồng lương của mình, góp phần nuôi con, dạy con.

Tiền lương đảm bảo cho cuộc sống sẽ tạo động lực cho người lao động toàn tâm, toàn ý làm việc mà không phải lo lắng đến sự thiếu hụt, bấp bênh trong cuộc sống. Bên cạnh đó, Đề án cải cách tiền lương cũng cần quan tâm đến chế độ dành cho con của công nhân lao động để trong tương lai sẽ có đội ngũ công nhân kế cận, sẵn sàng phục vụ sự nghiệp xây dựng đất nước của Đảng.

"Khi đảm bảo được cuộc sống tối thiểu bằng lương, người lao động sẽ không phải tìm cách để có thêm những thu nhập ngoài luồng khác. Vì vậy, cải thiện tiền lương cũng có tác dụng to lớn trong việc lành mạnh hóa các mối quan hệ xã hội, đặc biệt trong phòng chống tham nhũng, tiêu cực..," phó giáo sư, tiến sỹ Vũ Quang Thọ nhấn mạnh.

Để đảm bảo việc tăng lương được xem xét theo vị trí việc làm và khối lượng công việc hoàn thành, tạo động lực thu hút lực lượng lao động trẻ có năng lực, trình độ, phẩm chất tốt và khuyến khích những người làm việc có hiệu quả để được tăng bậc lương, ngăn chặn tình trạng thâm niên cao thì lương cao, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Bùi Văn Cường đề nghị hướng thiết kế thang lương theo các bậc lương nửa đầu lũy tiến và nửa sau lũy thoái.

Việc thiết kế nửa sau lũy thoái vẫn đảm bảo được chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức có thâm nhiên, năng lực thông qua chính sách lương linh hoạt đã nêu trong Đề án.

Theo Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Đề án xác định “Nhà nước công bố mức lương tối thiểu vùng và hỗ trợ cung cấp thông tin thị trường lao động, không can thiệp trực tiếp vào chính sách tiền lương của doanh nghiệp” là quan điểm mới, tiến bộ.

Nhưng cần quy định cụ thể hơn trách nhiệm của công đoàn, tổ chức đại diện cho người lao động, trong việc thỏa thuận thống nhất với người sử dụng lao động về mức lương cho người lao động trong doanh nghiệp theo quy định của pháp luật./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục