Hội nghị Trung ương 7: Tin tưởng vào những quyết sách đột phá

Cán bộ, đảng viên, người dân ở Thành phố Hồ Chí Minh đồng tình và tin tưởng các đại biểu dự Hội nghị Trung ương 7 sẽ bàn thảo và có quyết sách đột phá trong những vấn đề này.
Hội nghị Trung ương 7: Tin tưởng vào những quyết sách đột phá ảnh 1Toàn cảnh phiên thảo luận Đề án cải cách chính sách tiền lương, chiều 9/5. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)

Hội nghị Trung ương 7 khóa XII đang diễn ra với nhiều nội dung quan trọng như thảo luận các Đề án liên quan đến công tác cán bộ, cải cách chính sách tiền lương và chính sách bảo hiểm xã hội.

Cán bộ, đảng viên, người dân ở Thành phố Hồ Chí Minh đồng tình và tin tưởng các đại biểu dự hội nghị sẽ bàn thảo và có quyết sách đột phá trong những vấn đề này.

Công tác cán bộ là vấn đề "nóng"

Đồng tình với phát biểu khai mạc Hội nghị Trung ương 7 Khóa XII của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, bà Nguyễn Thị Dung (nguyên giảng viên Trường Cao đẳng Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng công tác cán bộ đang là vấn đề "nóng" và gây bức xúc trong dư luận thời gian gần đây với hàng loạt vụ việc tiêu cực liên quan đến "chạy chức, chạy quyền," bổ nhiệm người nhà. Thậm chí, cán bộ sai phạm vẫn được bổ nhiệm. Có thể nói, công tác cán bộ vẫn còn bất cập, hiệu quả còn thấp là do chưa thực thi “kỷ luật thép."

Theo bà Nguyễn Thị Dung, để xây dựng được đội ngũ cán bộ các cấp có chất lượng, nhất là cán bộ cấp chiến lược đủ năng lực, phẩm chất, chỉ có công khai minh bạch hóa mọi vấn đề mới có thể chống được tình trạng "chạy chức, chạy quyền." Có công khai và dân chủ hóa thì "tai mắt" nhân dân mới được mở rộng để giám sát. Bên cạnh đó, chế tài đã có nhưng còn quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe trước những cám dỗ của tiền tài, vật chất và quyền lực. Do đó, cần xem xét sửa đổi Luật công chức và Luật viên chức với những chế tài nghiêm khắc hơn để kiểm soát cán bộ từ cấp thấp đến cấp cao.

Trả lương đúng sẽ tạo động lực nâng cao năng suất lao động

Đối với đề án về cải cách chính sách tiền lương, ông Trương Hồng Sơn, Chánh Văn phòng Liên đoàn Lao động Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng tiền lương hiện nay còn mang tính bình quân, cào bằng, chưa tạo động lực để nâng cao hiệu quả công việc đối với công chức, viên chức. Hiện có quá nhiều loại phụ cấp, mà có người cho rằng “lương thì thấp mà phụ cấp thì nhiều," làm méo mó quan hệ tiền lương.

Ngoài ra, cần có cơ chế tiền thưởng để khuyến khích những sáng kiến, sáng tạo, đổi mới phong cách làm việc, nâng cao đạo đức công vụ và chất lượng, hiệu quả công tác của đội ngũ cán bộ các cấp.

Đánh giá thiết kế cơ cấu tiền lương và tiền thưởng mới có nhiều điểm mới, tiến bộ, ông Trương Hồng Sơn cho rằng tiền thưởng cần thiết phải gắn với việc hoàn thành chức trách, nhiệm vụ của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động (được đánh giá theo bộ tiêu chí xác thực gắn với chất lượng, hiệu quả công tác, thực thi công vụ, sáng kiến, sáng tạo, đạo đức công vụ…).

Theo ông Trương Hồng Sơn, để thực hiện thành công đề án Cải cách chính sách tiền lương, Ban chỉ đạo đề án cần xác định tiền lương phải đáp ứng đúng bản chất và chức năng của tiền lương; phải là thu nhập chính bảo đảm đời sống và tái tạo sức lao động cho cán bộ công chức, viên chức, người lao động và cả gia đình họ. Trả lương đúng là đầu tư cho phát triển nguồn nhân lực, tạo động lực nâng cao năng suất lao động và hiệu quả làm việc của người lao động.

Ông Trương Hồng Sơn bày tỏ tin tưởng Đảng và Nhà nước sẽ có quyết sách đột phá liên quan đến nội dung này.

Cần thay đổi trong chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện

Liên quan đến cải cách chính sách bảo hiểm xã hội, ông Phan Văn Mến, Giám đốc Bảo hiểm xã hội Thành phố Hồ Chí Minh cho biết thành phố vẫn còn khoảng 224.000 người lao động tại 20.000 doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ trên địa bàn chưa tham gia vào hệ thống bảo hiểm xã hội. Đây chính là những doanh nghiệp trốn đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động mà cơ quan bảo hiểm xã hội rất khó tiếp cận, kiểm tra bởi không thể tìm thấy địa chỉ doanh nghiệp trên thực tế.

Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) có hiệu lực từ 1/1/2018 chính là công cụ hữu ích và đủ sức răn đe để Bảo hiểm xã hội có cơ sở thực hiện tốt hơn công tác quản lý bảo hiểm xã hội trên từng địa bàn.

Hội nghị Trung ương 7: Tin tưởng vào những quyết sách đột phá ảnh 2Đại biểu dự hội nghị. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Bên cạnh Bảo hiểm xã hội bắt buộc, hiện Thành phố Hồ Chí Minh có 9.678 người tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện, con số này còn quá ít so với tiềm năng của một thành phố đông dân bậc nhất cả nước.

Ông Phan Văn Mến cho rằng, việc vận động người dân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện rất khó do bản thân chính sách này chưa thực sự hấp dẫn. Nếu những người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc được hưởng đến 6 chế độ gồm: ốm đau, thai sản, thất nghiệp, hưu trí, tử tuất và tai nạn lao động-bệnh nghề nghiệp thì người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện chỉ được hưởng chế độ hưu trí và tử tuất.

Do vậy, theo ông Phan Văn Mến, cần có những thay đổi trong chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện nhằm tạo sự công bằng cho người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục