Hội nghị Viện trưởng Kiểm sát ASEAN-Trung Quốc

Chủ tịch Nguyễn Minh Triết nêu rõ, Việt Nam đã và đang tiến hành cải cách hoạt động tư pháp và thu được những kết quả bước đầu.
Ngày 24/11, tại Hà Nội, Hội nghị Viện trưởng Viện Kiểm sát, Viện trưởng Viện Công tố các nước ASEAN và Trung Quốc lần thứ 6 đã khai mạc với chủ đề “Tăng cường hợp tác trong việc thực hiện các yêu cầu tương trợ tư pháp về hình sự nhằm nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia”.

Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết tới dự và phát biểu chào mừng hội nghị. Cùng dự có lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương thuộc khối Tư pháp, Đại sứ và đại diện ngoại giao các nước ASEAN, cùng gần 200 đại biểu của 14 đoàn Viện Kiểm sát, Viện Công tố các nước ASEAN và Trung Quốc.

Hội nghị năm nay diễn ra trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, các quốc gia đang phải đối mặt với nhiều mối đe dọa về đề an ninh và ổn định, trong đó có vấn đề tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia...

Viện trưởng Viện Kiểm sát, Viện trưởng Viện Công tố các nước ASEAN và Trung Quốc sẽ cùng nhau trao đổi các vấn đề cùng quan tâm, bàn bạc, đưa ra những giải pháp và chương trình hành động nhằm thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa cơ chế hợp tác giữa các nước ASEAN và Trung Quốc trên lĩnh vực phòng, chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia.

Trong tuyên bố khai mạc Hội nghị, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao Việt Nam Trần Quốc Vượng nhấn mạnh, tại Việt Nam, việc đấu tranh chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia đã và đang là một nhiệm vụ quan trọng trong Chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm.

Việt Nam đã hợp tác chặt chẽ với Liên hợp quốc và các nước trong lĩnh vực này. Năm 1997, Việt Nam trở thành thành viên các công ước Liên hợp quốc về kiểm soát ma túy, năm 2000 tham gia Công ước Liên hợp quốc về phòng, chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia; cảnh sát Việt Nam đã tham gia Interpol và Aseanapol.

Tháng 6/2009, Việt Nam đã ký phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng, chính thức cùng gần 140 nước tham gia vào khuôn khổ pháp lý toàn cầu về hợp tác trong phòng, chống tham nhũng.

Bên cạnh đó, Việt Nam đã tham gia, phê chuẩn, ký kết hàng chục công ước, hiệp định với Liên hợp quốc, các tổ chức quốc tế và với các nước khác trên thế giới về chống khủng bố, chống tội phạm quốc tế. Việt Nam hết sức coi trọng hoạt động tương trợ tư pháp với các nước, coi đây là biện pháp trực tiếp góp phần đấu tranh có hiệu quả đối với các loại tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia.

Là cơ quan thực hiện thức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp, Viện kiểm sát Nhân dân Tối cao Việt Nam cam kết thực thi hiệu quả, nhanh chóng, đáp ứng kịp thời các yêu cầu hợp tác của cơ quan công tố các nước, mong muốn nhận được sự hợp tác và hỗ trợ từ phía Viện Kiểm sát, Viện Công tố các nước ASEAN và Trung Quốc trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, nhất là các loại tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia.

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết nhấn mạnh, những thách thức, khó khăn trong quá trình toàn cầu hóa và những hệ quả trực tiếp của khủng hoảng kinh tế toàn cầu đã và đang tác động tiêu cực đến tất cả các quốc gia và vùng lãnh thổ, đặc biệt là các nước nghèo, kém phát triển.

Ở đó xuất hiện những nguy cơ đáng lo ngại như kinh tế suy giảm, tình trạng thất nghiệp gia tăng, phân hóa giàu nghèo ngày càng sâu sắc, giá trị văn hóa, đạo đức truyền thống bị xáo trộn, tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia diễn biến phức tạp.

Thực trạng này đòi hỏi chính phủ các nước phải tăng cường phối hợp khắc phục khủng hoảng kinh tế, chú trọng chính sách an ninh xã hội, quan tâm nâng cao năng lực hoạt động của các cơ quan tư pháp, góp phần bảo đảm an ninh quốc gia, phát triển kinh tế-xã hội, giữ gìn bản sắc văn hóa, bảo vệ quyền tự do và dân chủ của công dân.

Mối quan hệ tốt đẹp giữa ASEAN và Trung Quốc đã và đang tạo tiền đề thuận lợi cho hợp tác ngày càng phát triển. Việc tăng cường trao đổi kinh nghiệm, hợp tác về khoa học, giáo dục, lao động, bảo vệ môi trường, hoạt động tư pháp, chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia là những minh chứng sinh động về hiệu của của sự liên kết, hợp tác song phương và đa phương giữa các nước ASEAN và Trung Quốc.

Việt Nam đánh giá cao sự hợp tác có hiệu quả của các cơ quan tư pháp ASEAN với Trung Quốc, trong đó có sáng kiến tổ chức Hội nghị Viện trưởng Viện Kiểm sát, Viện trưởng Viện Công tố.

Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết nêu rõ, Việt Nam đã và đang tiến hành cải cách hoạt động tư pháp và thu được những kết quả bước đầu. Hệ thống pháp luật hình sự, dân dự, pháp luật tố tụng về tư pháp ngày càng hoàn thiện, hướng tới xây dựng Nhà nước pháp quyền.

Tổ chức và hoạt động của các cơ quan tư pháp Việt Nam được đổi mới, trình độ nghiệp vụ cán bộ tư pháp ngày càng nâng cao, hợp tác tư pháp với các nước trong khu vực và trên thế giới tiếp tục được mở rộng...

Mới đây, Quốc hội Việt Nam đã ban hành Luật Tương trợ tư pháp và một số luật quan trọng khác trong hoạt động tư pháp. Các luật này nhanh chóng đi vào cuộc sống và trở thành cơ sở vững chắc cho các hoạt động đấu tranh phòng, chống tội phạm, mở rộng quan hệ hợp tác giữa các cơ quan tư pháp Việt Nam và các nước trong hoạt động đấu tranh phòng, chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau.

Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đề nghị, trong khuôn khổ hội nghị, lãnh đạo các cơ quan kiểm sát, công tố các nước ASEAN và Trung Quốc cần đa dạng hóa hình thức, nội dung trao đổi kinh nghiệm đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm, giữa các nước cần xây dựng cơ chế tin cậy trong việc cung cấp và tiếp nhận thông tin về tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia.

Cùng với đó, cơ quan kiểm sát, công tố các nước ASEAN và Trung Quốc phải thiết lập các cơ chế để nghiên cứu và dự báo dài hạn về diễn biến tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia, từ đó đề ra biện pháp phối hợp hoạt động trong khuôn khổ luật pháp quốc tế, các thỏa thuận song phương và đa phương./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục