Hội Nhà văn Hà Nội cần có cú hích cho sự đổi mới

Các hội viên Hội Nhà văn Hà Nội nhìn chung ai cũng khấp khởi đặt niềm hy vọng vào sự đổi mới tốt hơn của Hội sau đại hội lần này.
Đại hội Hội Nhà văn Hà Nội khóa XI đã bước vào buổi họp đầu tiên. Các hội viên mỗi người một tâm trạng nhưng nhìn chung ai cũng khấp khởi đặt niềm hy vọng vào sự đổi mới tốt hơn của Hội sau đại hội lần này.

Phóng viên Vietnam+ đã ghi lại tâm tư của các hội viên Hội Nhà văn Hà Nội ở bên lề đại hội.

Trang web, cú hích cho sự đổi mới

Hầu hết các hội viên của Hội nhà văn Hà Nội đều bày tỏ mong muốn sau đại hội lần này, Ban chấp hành Hội Nhà văn Hà Nội sẽ tạo được cú hích giúp cho văn học Hà thành phát triển. Và, cú hích đó đơn giản chỉ là thành lập một website của Hội.

Nhà văn Phạm Ngọc Liễn, tác giả của các cuốn tiểu thuyết “Dòng chảy,” “Mưa nguồn”… cho rằng hiện nay văn chương đã có nhiều đổi mới, ông muốn qua đại hội lần này văn chương của Hà Nội cũng sẽ tạo ra được những làn gió mới trong sáng tác. Nhưng, theo ông, muốn đổi mới cần có một cú hích hay một trào lưu, bởi ở độ tuổi 80 như ông tự thân đổi mới là một điều khó. Trong khi nhà văn vẫn khao khát được cách tân bản thân và tiếp tục tiến xa hơn trong nghiệp văn chương.

Giải thích cho cái mà ông gọi là “cú hích,” ông nói chỉ đơn giản là thiết lập một trang web của Hội Nhà văn Hà Nội.

“Chúng tôi rất mong Hội Nhà văn Hà Nội có trang web của hội và trang web đó phải có sức sống. Đó là cái để giúp cho các hội viên tự làm mới mình,” nhà văn tâm sự.

Ông Liễn hy vọng, qua trang web, sẽ có các ý kiến đóng góp của bạn bè và độc giả để các nhà văn tham khảo và biết cách “làm mới” bản thân. Ông cho rằng, trong thời đại thông tin hiện nay, nhiều nhà văn đã tạo cho mình những blog cá nhân thì việc Hội Nhà văn Hà Nội chưa có cho mình một website đã là bị chậm với thời cuộc.

Còn nhà thơ Vương Trọng thì cho rằng, việc thành lập website của Hội Nhà văn Hà Nội là điều cần thiết vì các hội viên mong muốn được bổ sung thông tin. Do ít có điều kiện trao đổi cùng nhau nên ông phải đợi đến kỳ đại hội để được giao lưu cùng các bạn thơ.

Thấu hiểu tâm tình của nhà thơ Vương Trọng đến đại hội lần này chỉ để thỏa mãn nhu cầu gặp gỡ đông đủ bạn bè sau suốt 5 năm chờ đợi, nhà thơ Nguyễn Thị Mỹ Dung càng mong muốn có website của Hội để các cây bút được thường xuyên được gặp gỡ, trao đổi cùng nhau.

“Những ngày như thế này chúng tôi mới có dịp gặp gỡ và trao tặng tác phẩm cho nhau. Nhưng làm gì đủ sức để tặng cho tất cả mọi người. Nếu Hội có trang web sẽ giúp chúng tôi đọc tác phẩm của nhau. Các bạn văn không cần cầm quyển sách của tôi mà vẫn biết tôi đang viết gì,” nhà thơ chia sẻ.

Cần thêm những sáng tác về Hà Nội

Mặc dù số lượng hội viên của Hội Nhà văn Hà Nội khá đông nhưng có thể nói tới nay chưa nhiều những tác phẩm viết về Hà Nội xứng tầm với Thủ đô ngàn năm văn hiến.

Nhà thơ Mai Hồng Niên bùi ngùi: “Bây giờ Hà Nội quá lớn do sát nhập với Hà Tây cũ. Đội ngũ nhà văn đông nhưng những người viết về Hà Nội thì ít. Những người tâm huyết với Hà Nội không nhiều. Mong qua đại hội này, các nhà văn có nhiều tác phẩm về Hà Nội thật và hay hơn.”

Cùng suy nghĩ với nhà thơ Mai Hồng Niên, nhà văn Văn Sửu cũng băn khoăn, đến nay, Hội nhà văn Hà Nội có gần 600 hội viên nhưng tác phẩm về Hà Nội chưa nhiều. Lượng viết về Hà Nội đúng tầm cỡ của một Hà Nội anh hùng thì chưa nhiều và chưa có tác phẩm nào xứng đáng lắm.

Nhà văn cũng mong muốn trong bối cảnh Hà Nội đang mở rộng, các cây bút sẽ khai thác vấn đề con người, dân sinh xung quanh sự sát nhập đó để tác phẩm vừa là văn học đồng thời mang hơi thở cuộc sống sâu sắc.

Nữ sĩ Đỗ Bạch Mai, tác giả của thi phẩm nổi tiếng “Năm bông hồng trắng” cũng cho rằng, những trang viết về Hà Nội có tầm vẫn tập trung ở những tác giả lớn tuổi, có nhiều năm sống và trải nghiệm, còn các thế hệ nhà văn trẻ viết về Hà Nội chưa thuyết phục.

Nữ thi sĩ lý giải cho thực trạng này là bởi Hội Nhà văn Hà Nội chưa có sự đầu tư chiều sâu thích đáng để kích thích các cây bút sáng tác.

“Muốn viết được nhà văn cũng cần được tạo điều kiện về cơ sở vật chất. Một số hội văn học ở địa phương họ đã đầu tư cho tới từng tác phẩm của người viết nhưng Hội Nhà văn Hà Nội mới dừng lại ở việc một năm cho hội viên một chuyến đi. Nhìn chung, sự đầu tư còn sơ sài, chưa tới, chủ yếu vẫn là nhà văn tự thân vận động,” nữ sĩ trải lòng.

Bước vào Đại hội Hội Nhà văn Hà Nội lần này, nhà thơ Đỗ Bạch Mai cũng như nhiều hội viên khác mang tâm trạng nói theo cách của chị “ở đại hội nào thì người ta cũng kỳ vọng vào cái mới và sự thay đổi.”/.

Thiên Linh (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục