Hội nhập kinh tế ASEAN - Cơ hội cho du lịch Việt Nam

Hội nhập kinh tế ASEAN - Cơ hội cạnh tranh cho du lịch Việt Nam

Năm 2015, Việt Nam hội nhập với cộng đồng kinh tế ASEAN và thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau trong ASEAN về nghề du lịch (MRA-TP) chính là cơ hội tăng sức cạnh tranh cho du lịch Việt Nam.
Hội nhập kinh tế ASEAN - Cơ hội cạnh tranh cho du lịch Việt Nam ảnh 1 Các du khách quốc tế đến tham quan Đà Nẵng bằng tàu biển SuperStar Gemini. (Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN)

Năm 2015, Việt Nam hội nhập với cộng đồng kinh tế ASEAN và thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau trong ASEAN về nghề du lịch (MRA-TP) là lộ trình để phát triển và triển khai thực hiện nghề du lịch ở cấp quốc gia.

Đây sẽ là nền tảng để tăng cường chuyển dịch lao động trong ngành du lịch giữa các nước ASEAN và giải quyết các vấn đề về thiếu cân bằng cung cầu đối với các nghề du lịch.

Những khó khăn cũng như lợi ích khi thực hiện bộ tiêu chuẩn này tại Việt Nam đã được Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Tổng cục Du lịch Việt Nam Trần Phú Cường chia sẻ với báo chí.

- Ông có thể chia sẻ thêm những lợi ích trong việc thực hiện bộ tiêu chuẩn nghề du lịch MRA-TP, đặc biệt là đối với doanh nghiệp du lịch?

Ông Trần Phú Cường: Việc triển khai các thỏa thuận MRA-TP tại Việt Nam mang lại rất nhiều lợi ích cho các cơ quan Chính phủ cũng như đất nước. Bởi vì, khi có các tiêu chuẩn chung, Việt Nam sẽ tiết kiệm được rất nhiều chi phí xây dựng các bộ tiêu chuẩn.

Ở những nước chưa có các tiêu chuẩn nghề cụ thể, họ có thể áp dụng ngay các bộ tiêu chuẩn của ASEAN và không mất chi phí xây dựng các tiêu chuẩn đó.

Nếu xét về lợi ích thì khi thực hiện bộ tiêu chuẩn này các doanh nghiệp và người lao động, người lao động sẽ có điều kiện phát triển năng lực, quan trọng hơn được thừa nhận trình độ chuyên môn.

Doanh nghiệp trong nước cũng sẽ có những ưu ái hơn đối với các lao động du lịch được thừa nhận trong ASEAN. Quan trọng hơn, họ sẽ có nhiều cơ hội đáp ứng các yêu cầu tuyển dụng tại các doanh nghiệp và khách sạn trong ASEAN. Đây sẽ là cơ hội lớn cho người Việt Nam .

Đối với các doanh nghiệp, bên cạnh việc có được bộ tiêu chuẩn để áp dụng cho công tác đào tạo tại chỗ, người lao động đáp ứng được kỹ năng nghề trong bộ tiêu chuẩn chung ASEAN có thể đáp ứng phục vụ tốt nhu cầu của khách du lịch quốc tế và trong nước.

Khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp du lịch sẽ tăng lên và chất lượng dịch vụ của các doanh nghiệp đó sẽ được nâng cao.

Tuy nhiên, nếu lao động du lịch trong nước không nâng cao chuyên môn nghiệp vụ về kiến thưc kỹ năng thì sẽ thua trên sân nhà và lúc đó nhiều lao động của nước ngoài sẽ hoạt động tại Việt Nam, lao động trong nước sẽ mất việc làm.

Tương tự, các doanh nghiệp trong nước sẽ có các điều kiện thu hút các lao động có tay nghề của Việt Nam trong thỏa thuận MRA-TP.

Song, nếu doanh nghiệp du lịch trong nước không đổi mới, không phát triển để giữ chân các lao động có tay nghề, thì bản thân đội ngũ lao động cung cấp dịch vụ tại các doanh nghiệp sẽ mất đi nguồn chất xám lao động có kỹ năng nghề trong nước; chất lượng dịch vụ và khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp cũng sẽ bị suy giảm.

Nếu nhận thức nghiêm túc, người lao động và các doanh nghiệp du lịch sẽ đi đúng hướng trên cơ sở hỗ trợ của các cơ quan ban ngành nhà nước, Chính phủ để thúc đẩy hoạt động MRA-TP tại Việt Nam một cách có hiệu quả nhất đem lại lợi ích cho du lịch Việt Nam.

- Vậy những khó khăn của Việt Nam trong việc thực hiện bộ tiêu chuẩn MRA-TP và giải pháp cần khắc phục là gì?

Ông Trần Phú Cường: Việt Nam hiện chưa có một khung trình độ về du lịch quốc gia và khung trình độ này có thể được dùng để so sánh tính tương đồng về khung trình độ du lịch trong khối ASEAN.

Thời gian tới, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội sẽ trình và ban hành khung trình độ về du lịch quốc gia. Đây là điều kiện quan trọng để đảm bảo cho việc triển khai bộ tiêu chuẩn MRA-TP tại Việt Nam.

Việc so sánh các tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia của Việt Nam trong lĩnh vực du lịch cũng sẽ giống với tiêu chuẩn chung tại ASEAN trong quá trình triển khai MRA-TP tại Việt Nam.

Bản chất của việc triển khai MRA-TP là công nhận các văn bằng chứng chỉ của người lao động giữa các quốc gia với nhau, theo một chuẩn mực chung ASEAN.

Nếu không so sánh được tiêu chuẩn nghề quốc gia với tiêu chuẩn nghề chung trong ASEAN thì sẽ không đảm bảo được vấn đề công nhận chứng chỉ du lịch.

Hiện, ASEAN có 6 bộ tiêu chuẩn chung và Việt Nam có 8 bộ tiêu chuẩn quốc gia trong lĩnh vực du lịch. Tuy nhiên, 8 bộ tiêu chuẩn của Việt Nam không đầy đủ các nghề như theo 6 bộ tiêu chuẩn của ASEAN. Chính vì vậy, ngành du lịch chưa thể so sánh toàn diện các nghề trong bộ tiêu chuẩn quốc gia với bộ tiêu chuẩn của ASEAN.

Năm 2015, Việt Nam sẽ hội nhập kinh tế với ASEAN theo một chuẩn mực chung, trong đó tiếng Anh là ngôn ngữ chung để sử dụng giao tiếp. Song, các tiêu chuẩn nghề của Việt Nam mới chỉ có tiếng Việt, trong khi khối lượng tài liệu lớn, nếu so sánh phải dịch các văn bản sang tiếng Anh.

Ngoài ra, công tác đào tạo các tiêu chuẩn này ở các cơ sở đào tạo, đào tạo tại chỗ tại các doanh nghiệp lữ hành sẽ phải tuân theo tiêu chuẩn của ASEAN, hoặc theo tiêu chuẩn của Việt Nam được thừa nhận trong ASEAN.

Vì vậy, công tác đào tạo cần có sự hướng dẫn cụ thể hay các tiêu chuẩn nghề trong ASEAN phải được giới thiệu. Việc thể chế hóa các tiêu chuẩn tạo điều kiện cho các doanh nghiệp du lịch và các cơ sở đào tạo có được những hướng dẫn và cơ sở pháp lý để sử dụng các tiêu chuẩn trong việc xây dựng các giáo trình bài giảng đào tạo.

Việt Nam hy vọng các ngành liên quan sẽ ban hành các hướng dẫn cụ thể để thể chế hóa các tiêu chuẩn chung ASEAN, áp dụng cho cả Việt Nam .

Bên cạnh đó, đội ngũ giáo viên, giảng viên đã và đang được đào tạo để có thể truyền tải các tiêu chung của ASEAN mà hiện du lịch Việt Nam vẫn còn thiếu.

ASEAN sẽ hỗ trợ cho các nước tổ chức đào tạo cho một nhóm có một số thẩm định viên theo tiêu chuẩn chung của ASEAN. Vai trò của Việt Nam là phải nhân rộng đội ngũ này mới đảm bảo tổ chức đào tạo cho các cơ sở đào tạo, thậm chí, đào tạo tại các doanh nghiệp du lịch.

Trên thực tế, Tổng cục Du lịch và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức nhiều hội thảo và giới thiệu MRA-TP tại nhiều địa phương, tỉnh và thành phố ở Việt Nam. Tuy nhiên, nhận thức chung về việc hình thành cộng đồng kinh tế ASEAN tại Việt Nam nói chung và việc triển khai MRA-TP ở Việt Nam nói riêng vẫn còn nhiều hạn chế và cần phải được nâng cao hệ thống cung cấp thông tin và nhận thức toàn ngành du lịch cũng như toàn xã hội.

- Xin chân thành cảm ơn ông./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục