"Hội nhập sâu, vị thế của người tiêu dùng càng phải được nâng cao"

Theo yêu cầu của Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phú, việc tham gia các Hiệp định thế hệ mới đòi hỏi vị thế của người tiêu dùng Việt Nam cần phải được nâng cao.
"Hội nhập sâu, vị thế của người tiêu dùng càng phải được nâng cao" ảnh 1Lực lượng Quản lý thị trường tham gia tuyên truyền về chống hàng giả, hàng nhái. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Phát biểu tại "Lễ Công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về ngày Quyền của Người tiêu dùng Việt Nam", do Bộ Công Thương tổ chức tối 12/3, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các ngành chức năng phải tăng cường hơn nữa công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Theo Phó Thủ tướng, trong những năm qua, việc bảo vệ quyền của người tiêu dùng Việt Nam đã được sự quan tâm, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước.

Tuy nhiên, trước tình hình mới, nhận thức của xã hội về vị trí vai trò của công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng còn hạn chế, đặc biệt là hệ thống pháp luật còn nhiều bất cập và hoạt động của các cơ quan tổ chức tham gia bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng chưa đạt hiệu quả cao.

Thêm vào đó, việc Việt Nam tham gia, ký kết nhiều Hiệp định Thương mại tự do, nhất là các Hiệp định thế hệ mới đòi hỏi quyền lợi phải được tăng cường, do vậy cần có nhiều giải pháp nhằm nâng cao vị thế của người tiêu dùng Việt Nam.

"Hội nhập sâu, vị thế của người tiêu dùng càng phải được nâng cao" ảnh 2Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Lễ Công bố Ngày Quyền lợi Người tiêu dùng. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Phó Thủ tướng lưu ý Bộ Công Thương và các địa phương, Hiệp hội cần tăng cường sự chỉ đạo và phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường kiểm soát thị trường cũng như tuyên truyền để công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là trách nhiệm của toàn xã hội.

"Cần xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng. Cũng như nâng cao hơn nữa nhận thức của cộng đồng doanh nghiệp trong việc xây dựng và bảo vệ thương hiệu," Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.

Theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, ngày 15/3 hàng năm sẽ được chọn làm ngày "Quyền của người tiêu dùng Việt Nam" nhằm khẳng định vai trò, vị trí và tầm quan trọng của công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng với sự phát triển ổn định, bền vững của xã hội và đất nước.

Hiện Bộ Công Thương là cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ở Trung ương, trong đó Cục Quản lý cạnh tranh là cơ quan giúp Bộ trưởng Bộ Công Thương thực hiện quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, trong khi Sở Công Thương được giao là cơ quan giúp Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại địa phương.

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết, việc đưa ra các chương trình hành động sẽ là cơ sở để tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật và các chính sách về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, góp phần huy động sự tham gia của toàn xã hội đối với công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, xây dựng một môi trường tiêu dùng lành mạnh cho cả người tiêu dùng và các tổ chức, cá nhân kinh doanh.

Năm 2016, Bộ Công Thương chọn chủ đề “Quyền được an toàn của người tiêu dùng” là chủ đề chính của "Ngày Quyền của người tiêu dùng." Đây là một trong 8 quyền cơ bản của người tiêu dùng đã được quy định tại Điều 8 của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Cụ thể: “Người tiêu dùng có quyền được bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác khi tham gia giao dịch, sử dụng hàng hóa, dịch vụ do tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ cung cấp”.

Để tiếp nhận và xử lý thông tin phản ánh của người tiêu dùng, trong tháng 3/2015, Cục Quản lý Cạnh tranh (Bộ Công Thương) đã chính thức đưa vào vận hành Tổng đài tư vấn, hỗ trợ thông tin theo số 1800-6838./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục