"Hội Nhịp cầu Thái bình" - nuôi dưỡng tâm hồn Việt

"Hội Nhịp cầu Thái bình" được lập ra với hy vọng sẽ trở thành nơi nuôi dưỡng những tâm hồn Việt trên đất Thụy Sĩ xa xôi tổ quốc.
"Tình bằng có cái trống cơm, khen ai khéo vỗ nó mấy bông lên bông..." Trong buổi chiều đông ảm đạm, lạnh lẽo của thành phố Geneva, bỗng vang lên đâu đây bài hát dân gian quen thuộc của người Việt, "Trống cơm," bài hát như xua tan thời tiết lạnh giá nơi xứ người, sưởi ấm cõi lòng của những người con xa xứ, hướng họ cùng chung vui với không khí đón tết náo nức của dân tộc tại quê nhà.

Đó là dàn đồng ca của các học viên lớp tiếng Việt trình độ 1 của trường Âu Lạc Việt thuộc "Hội Nhịp cầu Thái bình" do ông Hoàng Văn Khẩn làm chủ tịch.

Chiều 29 tết và cũng là thời điểm bế giảng khóa học, "Hội Nhịp cầu Thái bình" đã tổ chức một bữa tiệc tất niên thịnh soạn cho các học viên lớp tiếng Việt. Tuy ở cách xa quê nhà tới hơn 10.000 km và nằm ở trung tâm châu Âu, nhưng bữa tiệc hôm nay vẫn đậm đà hương vị tết Việt Nam với bánh chưng xanh, nem rán, giò chả...

Trong số những người Việt tham gia vào buổi tiệc hôm nay, phóng viên nhận thấy có khá nhiều học viên trẻ tuổi, sinh ra và lớn lên tại Thụy Sĩ nhưng vẫn rất tha thiết với việc học tiếng Việt.

Tâm sự với phóng viên TTXVN tại Geneva, chị Lê Văn Trang cho biết, chị có bố mẹ là người Việt, tuy nhiên, từ lâu chị không nói chuyện với bố mẹ bằng tiếng Việt, nên chị muốn học tiếng Việt để nói chuyện với gia đình, họ hàng ở Việt Nam cũng như tìm về với nguồn gốc Việt.

Giới thiệu về trường Âu Lạc Việt và "Hội Nhịp cầu Thái bình," ông Hoàng Văn Khẩn cho hay: "Trước nhu cầu rất lớn về học tiếng Việt và tìm về với giá trị văn hóa của người Việt tại Thụy Sĩ, 'Hội Nhịp cầu Thái Bình' và trường Âu Lạc Việt đã ra đời năm 2008 tại Geneva, Thụy Sĩ. Việc dạy tiếng Việt của trường đã thu hút khá đông đảo các học viên từ các khu vực lận của Thụy Sĩ và Pháp."

Cũng theo ông Khẩn, bên cạnh việc dạy tiếng Việt, hội chủ trương phổ biến văn hóa Việt Nam tới các học viên, bởi theo ông, hồn Việt và chữ Việt luôn gắn liền với nhau, vì vậy để hiểu được văn hóa là hiểu được chữ, nghĩa và hồn Việt.

Dự kiến trong năm 2012, ông Khẩn cho biết, hội sẽ mở rộng thêm các lớp tiếng Việt nhằm thỏa mãn nhu cầu học tiếng Việt cũng như tìm hiểu văn hóa Việt tại Thụy Sĩ.

Với sự nhiệt tình của các thành viên sáng lập "Hội Nhịp cầu Thái bình" và sự giúp đỡ của các nhà chức trách, chắc chắn Hội sẽ trở thành nơi nuôi dưỡng những tâm hồn Việt ngay trên đất Thụy Sĩ./.

Đức Hùng/Geneva (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục