Hội Nông dân: Tốt nhất là khởi kiện Vedan ra tòa!

Theo ông Nguyễn Duy Lượng, việc khất lần mức hỗ trợ nhiều lần cho thấy Vedan rất thiếu thiện chí, tốt nhất là kiện Vedan ra tòa.
“Việc khất lần, kỳ kèo mức bồi thường hỗ trợ nhiều lần cho thấy Vedan rất thiếu thiện chí, vì vậy, không nên đặt vấn đề thương lượng nữa! Quan điểm của tôi tốt nhất là kiện Vedan ra tòa. Khi đã ra tòa, là phải bồi thường, không có chuyện hỗ trợ,” Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Nguyễn Duy Lượng nói.

Trao đổi với phóng viên TTXVN ngày 29/7 về sự vào cuộc của các cơ quan chức năng và việc Quỹ Bảo vệ môi trường lên tiếng sẽ ứng án phí cho nông dân các tỉnh kiện Công ty Vedan Việt Nam, ông Nguyễn Duy Lượng đánh giá cao động thái hỗ trợ kịp thời này và nhấn mạnh đã xác định khởi kiện thì phải thống nhất chung cả 3 địa phương và phải chủ động giúp nông dân hoàn chỉnh tất cả hồ sơ và các điều kiện khác, xong trước ngày 12/9 - thời điểm hết hạn khởi kiện.

Việc Quỹ Bảo vệ môi trường ứng án phí cho nông dân sẽ tạo được sự đồng thuận, tạo sức mạnh tập thể, chứ không phải từng nông dân đứng ra làm lắt nhắt nữa, ông Lượng bày tỏ.

- Ông nhìn nhận thế nào về việc chiều 28/7, Vedan bất ngờ nâng mức bồi thường cho các tỉnh lên 130 tỷ đồng?

Ông Nguyễn Duy Lượng: Không rõ ý đồ của họ thế nào. Họ đã nâng mức hỗ trợ lên 30 tỷ đồng, 40 tỷ đồng và 60 tỷ đồng tùy theo độ thiệt hại của ba địa phương là Thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa-Vũng Tàu và Đồng Nai. Nhưng đến giờ, cả ba địa phương đều không chấp nhận con số này.

So sánh với mức độ thiệt hại đã được Viện Môi trường và Tài nguyên xem xét, đánh giá rất kỹ thì chắc rằng tối thiểu phải đạt bằng mức mà theo khoa học đánh giá là 45,7 tỷ đồng, 53,6 tỷ đồng và 119 tỷ đồng (lần lượt cho Thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Nai) thì mới chấp nhận được.

- Được Ban chấp hành Trung ương Hội phân công trực tiếp theo dõi, xử lý vụ việc, quan điểm của ông về việc kiện Vedan ra tòa như thế nào?

Ông Nguyễn Duy Lượng:
Ngay từ đầu, khi vụ việc xảy ra, Trung ương Hội Nông dân luôn quan tâm theo dõi. Thực ra, ban đầu, Trung ương Hội cũng như các cơ quan chức năng khác, không ai muốn đưa Vedan ra tòa. Tất cả các thiệt hại của dân muốn Vedan bồi thường thỏa đáng. Nhưng trong quá trình xử lý vụ việc, Vedan không thiện chí nên giằng co mãi sẽ thiệt hại cho nông dân. Nếu không trực tiếp đưa ra tòa, Vedan sẽ cứ giả vờ cò kè.

Cứ mỗi lần mời họp, bàn thảo, công ty này lại nâng mức bồi thường lên một tý. Làm việc với địa phương, thấy có chuyện nọ kia thì lại “bơm” một tí mà không có cơ sở khoa học gì.

Mục đích là kéo dài đến ngày 12/9 là ngày hết hạn khởi kiện, nông dân không đủ cơ sở không khởi kiện nữa, phải thôi.

Vedan chỉ hỗ trợ cho dân được mức nào biết mức đó thôi thì không được. Trung ương Hội Nông dân là đại diện cho quyền và lợi ích nông dân sẽ phải chủ động hết toàn bộ. Vedan từ đầu đến giờ vẫn luôn cò kè đấy thôi. Vedan vẫn đang nghe ngóng theo dõi từng, giờ từng phút một xem động thái của các cơ quan chức năng như thế nào, ý kiến của các đại biểu trong cuộc họp ra sao.

- Như vậy, theo ông, nên kiện Vedan?

Ông Nguyễn Duy Lượng:
Theo tôi, đến giờ này là nên kiện. Và đã chỉ đạo kiện rồi. Bà Rịa-Vũng Tàu và Thành phố Hồ Chí Minh đã gần như nộp xong hồ sơ khởi kiện.

Còn đối với Đồng Nai, trong tuần tới, sẽ có một tổ công tác của Hội Luật gia và Hội Nông dân tỉnh tiến hành rà soát lại toàn bộ hồ sơ, thủ tục cho nông dân để sớm đưa Vedan ra tòa. Chúng ta đã có đầy đủ cơ sở về mặt khoa học và mặt pháp lý, kiện là thắng, nông dân sẽ thắng.

- Nếu Vedan trong ngày một, ngày hai lại đưa ra mức bồi thường mới thì sao?

Ông Nguyễn Duy Lượng: Không được, tối thiểu phải bằng mức đã được Viện Môi trường và Tài nguyên xác định. Từ bây giờ xác định là chỉ khởi kiện thôi, không phải bàn nữa!

- Nhưng nếu đến ngày 11/9 chẳng hạn, Vedan đưa ra mức bồi thường đúng bằng mức nông dân yêu cầu thì sao?

Ông Nguyễn Duy Lượng: Đến ngày đó mới quyết. Cả ba địa phương sẽ quyết định nên làm thế nào. Hội Nông dân Việt Nam nói riêng và các Bộ khác cũng không quyết định được điều này.

Trung ương Hội Nông dân có trách nhiệm bảo vệ quyền và lợi ích của người nông dân, phải chủ động đứng ra giúp nông dân trong quá trình khởi kiện.

Chữ nghĩa không có, đơn thư không biết viết, bây giờ người ta chỉ biết dựa vào cơ quan chức năng chứ biết dựa vào ai. Còn chấp nhận hay không thì sau này, từng địa phương phải trên cơ sở mức đền bù đó để quyết định.

- Nếu thỏa thuận thương lượng được nhưng trong trường hợp Vedan cố tình khất lần, bồi thường lắt nhắt kéo dài thì sao?


Ông Nguyễn Duy Lượng: Đến thời điểm đó phải làm việc cụ thể, phải có hội đồng để xác định trả mấy lần, thời gian trả thế nào và trường hợp đặc biệt, Hội Nông dân Việt Nam sẽ đứng ra làm chung cho cả ba địa phương.

Lúc đó, Hội Nông dân sẽ phải làm việc cụ thể lại, không thể đền bù kéo dài được. Tất cả những gì còn khó khăn, băn khoăn, không tập hợp được ba địa phương để có cùng một tiếng nói chung, nếu được Ban Bí thư và Thủ tướng giao, Hội Nông dân Việt Nam sẵn sàng nhận cho dân, không còn tổ chức nào ngoài tổ chức hội.

- Trung ương Hội sẽ chỉ đạo hội các cấp như thế nào trong việc giúp nông dân kiện Vedan?

Ông Nguyễn Duy Lượng: Trung ương Hội tiếp tục chỉ đạo Hội Nông dân các địa phương hướng dẫn và hỗ trợ người dân trong quá trình khởi kiện và bảo vệ các chứng lý trong quá trình tố tụng.

Bên cạnh đó, các cấp hội quan tâm động viên bà con nông dân yên tâm tập trung vào sản xuất, đảm bảo đời sống; mở các lớp đào tạo ngành nghề để họ có thêm việc làm và có phương án chuyển đổi nghề cho nông dân ở những điểm không thể nuôi trồng thủy sản được nữa./.

Chu Thanh Vân (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục