Hội Phụ nữ cần phát huy những mô hình hay, cách làm sáng tạo

Những mô hình hay, cách làm hiệu quả không chỉ góp phần xây dựng tổ chức Hội ngày càng vững mạnh mà còn góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội từng địa phương.
Hội Phụ nữ cần phát huy những mô hình hay, cách làm sáng tạo ảnh 1Đại biểu dự phiên thảo luận "Xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, hoạt động chuyên nghiệp, hiệu quả". (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Trong khuôn khổ Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2022-2027, chiều 10/3, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, các đại biểu tham dự phiên thảo luận "Xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, hoạt động chuyên nghiệp, hiệu quả" đã chia sẻ những mô hình hay, cách làm hiệu quả, những kinh nghiệm sáng tạo trong công tác thu hút, tập hợp đa dạng các hội viên.

Những mô hình này không chỉ góp phần xây dựng tổ chức Hội ngày càng vững mạnh mà còn góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội từng địa phương.

"Ở đâu có phụ nữ, ở đó có hoạt động hội"

Là địa phương có nhiều khu công nghiệp nhất trên cả nước, với lao động nữ chiếm 63% tổng số lực lượng, trong những năm qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Đồng Nai đã triển khai đề án "Tăng cường công tác lãnh đạo, quản lý và phát huy vai trò của phụ nữ trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, giai đoạn 2016-2020" nhằm hỗ trợ nữ lao động nhập cư cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống tại nơi tạm cư, đồng thời thực hiện phương châm "ở đâu có phụ nữ, ở đó có hoạt động hội."

Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Đồng Nai Lê Thị Thái cho biết, nhờ hiệu quả của đề án, đời sống vật chất và tinh thần của công nhân lao động ngày càng tốt hơn; tình hình an ninh trật tự được cải thiện; chị em có "sân chơi" nâng cao kiến thức, kỹ năng, yên tâm làm việc.

"Thông qua hoạt động của mô hình, điều may mắn nhất là các cấp hội kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng cũng như tình hình thực hiện các chính sách đối với lao động nữ trong doanh nghiệp, đảm bảo quyền lợi cho nữ công nhân theo quy định," bà Lê Thị Thái cho biết.

Chia sẻ kinh nghiệm trong việc đảm bảo ổn định đời sống nữ công nhân, bà Lê Thị Thái nhấn mạnh việc đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền chính sách, pháp luật lao động, tổ chức các phong trào, hoạt động chăm lo đời sống vật chất cho phụ nữ, đặc biệt lao động nữ xa nhà.

[Gỡ bỏ rào cản để phụ nữ sáng tạo, cống hiến nhiều hơn]

Bên cạnh đó, người làm công tác Hội phải chủ động phát huy tinh thần lắng nghe, nắm rõ tâm tư tình cảm, nguyện vọng và kịp thời giải quyết, bảo vệ quyền lợi chính đáng cho nữ công nhân; xây dựng lực lượng nòng cốt và thuyết phục, vận động các cá nhân, tổ chức liên quan để chăm lo đời sống cho phụ nữ.

"Cùng với đó, phải tranh thủ các nguồn lực xã hội để làm tốt công tác chăm lo cho hội viên nữ công nhân có hoàn cảnh khó khăn, ốm đau, thai sản, có con nhỏ đau ốm; thiết thực nhất là vận động các chủ nhà trọ hỗ trợ, chia sẻ nhằm giảm bớt khó khăn cho nữ công nhân," Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Đồng Nai cho biết.

Liên quan đến vấn đề này, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Thái Thu Xương cho biết, thực hiện Nghị quyết Đại hội XII Công đoàn Việt Nam và Nghị quyết Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XII, 5 năm qua, tổ chức Công đoàn đã phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ chủ động rà soát và tích cực đóng góp ý kiến tham gia xây dựng, sửa đổi, bổ sung dự thảo các văn bản pháp luật có liên quan đến lao động nữ; kiểm tra, giám sát, phát hiện và đề xuất chính sách giải quyết những vấn đề bức xúc, cấp bách đặt ra đối với lao động nói chung và lao động nữ nói riêng.

Trước thực trạng đời sống của một bộ phận nữ công nhân lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất còn nhiều khó khăn, nhất là lao động nữ nhập cư, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề nghị các cấp công đoàn tập trung thực hiện một số nhiệm vụ: Tiếp tục phối hợp hiệu quả với Hội Liên hiệp Phụ nữ cùng cấp trong tham mưu, lồng ghép linh hoạt, sáng tạo hoạt động của hội vào hoạt động nữ công công đoàn; đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền, giáo dục, tăng cường công tác chăm lo bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nữ công nhân; tiếp tục thực hiện "Đề án đầu tư xây dựng các thiết chế của Công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất"…

Bên cạnh đó, bà Thái Thu Xương đề xuất tiếp tục giữ nguyên quy định về vai trò nòng cốt của nữ cán bộ, công chức, viên chức và công nhân lao động trong phong trào phụ nữ như nhiều nhiệm kỳ qua.

Bởi công tác vận động nữ công nhân viên chức lao động và hoạt động của Ban Nữ công công đoàn trong suốt những năm qua đã góp phần thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Đại hội Phụ nữ toàn quốc qua các nhiệm kỳ.

"Những kết quả đó đã khẳng định sự chỉ đạo hiệu quả và phân công hợp lý của Đảng trong công tác phụ vận, từ đó phát huy được thế mạnh của mỗi tổ chức trong hệ thống chính trị xã hội," Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nêu rõ.

Đa dạng các mô hình tập hợp, thu hút hội viên

Là địa phương có 19 dân tộc cùng chung sống, hiện có trên 265 nghìn phụ nữ từ 18 tuổi trở lên, trong đó, phụ nữ là người dân tộc thiểu số chiếm trên 85%, phụ nữ tôn giáo chiếm 2%, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Hà Giang Chu Thị Ngọc Diệp cho biết hội viên, phụ nữ chủ yếu là nông dân, trình độ dân trí thấp, tỷ lệ hộ nghèo, mù chữ, tái mù chữ cao; trình độ hiểu biết còn hạn chế; giao thông đi lại khó khăn; một số phong tục, tập quán lạc hậu ảnh hưởng đến sự phát triển và tiến bộ phụ nữ...

Hội Phụ nữ cần phát huy những mô hình hay, cách làm sáng tạo ảnh 2Đại biểu dự phiên thảo luận "Xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, hoạt động chuyên nghiệp, hiệu quả". (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Đây là rào cản trong công tác tuyên truyền, vận động phụ nữ nói chung, phụ nữ dân tộc thiểu số, tôn giáo nói riêng tham gia vào các phong trào thi đua và hoạt động của Hội.

Với mục tiêu "Tăng cường các giải pháp, hướng dẫn các cấp Hội tập trung chỉ đạo thành lập đa dạng các loại mô hình tập hợp, thu hút hội viên," Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Hà Giang nỗ lực, sáng tạo trong thu hút, tập hợp hội viên.

Từ đó, hàng trăm câu lạc bộ, nhóm, tổ phụ nữ với nhiều loại hình khác nhau, thu hút hội viên hiệu quả. Các mô hình được phân loại theo từng nhóm như phát triển kinh tế; xây dựng gia đình hạnh phúc; văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao; bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; hướng dẫn khách du lịch.

Tiêu biểu, mô hình phát triển kinh tế là khâu đột phá trong nhiệm kỳ với việc thành lập được 546 "Tổ phụ nữ liên kết phát triển kinh tế," tập trung vào các lĩnh vực như chăn nuôi lợn nái luân chuyển, chăn nuôi lợn thịt, trồng rau an toàn, trồng cây ăn quả, thêu dệt thổ cẩm... phù hợp với chị em phụ nữ dân tộc thiểu số và phụ nữ tôn giáo; đáp ứng nhu cầu của hội viên, phụ nữ vùng sâu, vùng xa, vừa góp phần hỗ trợ phụ nữ giải quyết khó khăn trước mắt, vừa có sức lan tỏa tinh thần cộng đồng trách nhiệm tương thân, tương ái.

Ngoài ra, các cấp Hội còn thành lập được các loại mô hình mới khác, như: "Dòng họ tự quản," "Tổ Phụ nữ tự quản tham gia bảo vệ đường biên, mốc giới," mô hình "Cung ứng rau sạch cho trường bán trú," câu lạc bộ "Phụ nữ khởi nghiệp-kinh doanh"…

Đặc biệt, trong cuộc chiến chống dịch COVID-19 đã xuất hiện nhiều mô hình mới, cách làm hay, như "Chuyến xe 0 đồng," "Suất cơm tình thương"…

"Việc đổi mới hình thức tuyên truyền, vận động phụ nữ dân tộc, tôn giáo thông qua các mô hình tập hợp hội viên, phụ nữ đa dạng, phong phú với nhiều hoạt động thiết thực đã và đang thu hút ngày càng đông phụ nữ đến với tổ chức Hội," Chu Thị Ngọc Diệp chia sẻ.

Tương tự tỉnh Hà Giang, Bạc Liêu là tỉnh nghèo, xuất phát điểm thấp, thường xuyên bị ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thiên tai, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Bạc Liêu Trương Hồng Trang cho biết đa số hội viên, phụ nữ trên địa bàn sống bằng nghề nông nghiệp (chăn nuôi, trồng trọt) hoặc buôn bán nhỏ.

Vượt lên những khó khăn, thách thức, nhiệm kỳ vừa qua, các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Bạc Liêu đã cụ thể hóa các phong trào thi đua của Hội bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, phù hợp với đặc thù của địa phương. Các mô hình hay, cách làm sáng tạo đã tạo động lực thi đua trong các cấp Hội và lan tỏa sâu rộng, mạnh mẽ tới hội viên, phụ nữ, thúc đẩy chị em tích cực tham gia thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

"Để đạt được những kết quả nêu trên, ngoài sự quan tâm, hỗ trợ và tạo điều kiện của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự phối hợp của các ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể có sự đóng góp tích cực, không ngừng nghỉ của cán bộ, hội viên phụ nữ, đặc biệt là đội ngũ Chi hội trưởng. Đội ngũ này chính là những người trực tiếp triển khai các phong trào, hoạt động của Hội đến với hội viên, phụ nữ. Họ chính là chỗ dựa bền vững, là niềm tin và niềm tự hào của tổ chức Hội ở cơ sở," bà Trương Hồng Trang chia sẻ.

Để phát huy vai trò của các Chi hội trưởng trong kết nối hội viên phụ nữ trong các hoạt động phát triển kinh tế-xã hội, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Bạc Liêu đề xuất Trung ương Hội tham mưu, đề xuất với Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành chức năng sơ kết, đánh giá việc thực hiện Nghị định số 34/2019/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung một số quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố) để có những điều chỉnh, bổ sung phù hợp với thực tiễn; nghiên cứu có cơ chế hỗ trợ đặc thù đối với Chi hội trưởng phụ nữ tại những địa bàn đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, miền núi, biên giới, hải đảo, vùng dân tộc thiểu số.

Chia sẻ kinh nghiệm thu hút, tập hợp phụ nữ công giáo tại chi hội, chị Trần Thị Quyên, Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ thôn Thanh Hương Lâm, xã Điền Hương, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết với đặc thù 100% dân số trong thôn có đạo Công giáo toàn tòng, việc thu hút hội viên, phụ nữ chấp hành nghiêm túc các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước; tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, xóa đói giảm nghèo, tham gia các ngày lễ trọng an toàn, đúng lễ nghi tôn giáo và quy định của pháp luật luôn là băn khoăn, trăn trở với riêng chị.

Với vai trò là Chi hội trưởng, chị Quyên cùng chị em trong Chi hội thường xuyên tranh thủ sự hỗ trợ, giúp đỡ của Cha xứ, Hội đồng giáo xứ để tổ chức và nâng cao chất lượng sinh hoạt hội, đặc biệt về kinh phí, địa điểm sinh hoạt, nội dung tuyên truyền gắn với hoạt động Hội.

Các chị em rất phấn khởi vì vừa tròn việc đạo, vừa được nâng cao kiến thức, được trao đổi các kinh nghiệm về làm ăn, xây dựng gia đình, nuôi dạy con. Nhờ những cách làm thiết thực, thôn Thanh Hương Lâm ngày càng bình yên và giàu đẹp hơn.

Chị Trần Thị Quyên nhấn mạnh: "Mỗi Chi hội trưởng phải thực sự phát huy vai trò của mình, quan tâm đời sống vật chất, tinh thần các cán bộ, chức sắc, chị em phụ nữ Công giáo; chủ động nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của chị em để phản ánh kịp thời với cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương cũng như Hội cấp trên; tạo điều kiện giúp đỡ chị em khi gặp khó khăn trong cuộc sống./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục