Hồi sinh ngoạn mục

Đất nước Nhật thêm một lần hồi sinh ngoạn mục

Ý chí sắt đá, kiên cường lại một lần nữa tạo nền móng vững chắc để Nhật Bản hồi sinh một cách ngoạn mục sau thảm họa kép.
Người dân Nhật Bản có lẽ sẽ không bao giờ quên được cái thời khắc kinh hoàng ấy. Thảm họa động đất-sóng thần đúng một năm về trước sẽ mãi mãi đi vào ký ức của người dân “xứ sở hoa anh đào” như một cơn ác mộng trong hành trình xây dựng tương lai.

Thế nhưng, ngay chính trong thảm họa, người dân Nhật Bản một lần nữa đã khẳng định được nghị lực phi thường để vượt qua hoạn nạn. Chính ý chí sắt đá và sự kiên cường đó đã tạo nền móng vững chắc để Nhật Bản có thể hồi sinh một cách ngoạn mục.

Trận động đất-sóng thần ngày 11/3/2011 với sức tàn phá ghê gớm đã cuốn phăng một số cộng đồng ven biển, xóa sổ nhiều làng mạc, thị trấn. Thậm chí, nhiều người lo ngại rằng một số thị trấn sẽ biến mất vĩnh viễn và không còn có tên trên bản đồ Nhật Bản.

Đã có lúc người ta nghĩ rằng phải mất từ 10-20 năm, Nhật Bản mới có thể khôi phục lại những gì đã mất. Thế nhưng, không ai có thể ngờ rằng chỉ sau một năm, nhiều khu vực bị động đất-sóng thần san phẳng đã xuất hiện trở lại với một diện mạo mới và một khí thế mới. Người dân “xứ sở hoa anh đào,” với sức sống mãnh liệt, đã nỗ lực bền bỉ để xây dựng lại cuộc sống từ đống đổ nát hoang tàn.

Và “trời đã không phụ lòng người” khi cuộc sống của người dân đã dần đi vào ổn định dù vẫn còn nhiều lo toan. Nhiều nơi hầu như không còn vết tích của thảm họa một năm về trước. Hoạt động sản xuất đã được khôi phục ở nhiều nơi, trong khi kinh tế cũng đã có những tín hiệu khả quan hơn. Đặc biệt, người dân Nhật Bản đã thành công trong việc xử lý các phế thải từ thảm họa thành những vật liệu xây dựng những công trình mới.

Cùng với Iwate và Fukushima, Miyagi là một trong ba tỉnh bị ảnh hưởng nặng nhất của thảm họa kép. Thế nhưng, chỉ sau một năm, 16 triệu tấn rác thiên tai - tương đương với lượng chất thải dân sinh trong vòng 19 năm của tỉnh này, đã được dọn sạch, tạo điều kiện cho công cuộc xây dựng cơ sở hạ tầng ở địa phương.

Chương trình tái định cư cho những người bị ảnh hưởng bởi thảm họa cũng đạt được những bước tiến nhất định. Chính phủ Nhật Bản đã cam kết hỗ trợ và xây dựng hàng loạt ngôi nhà tạm. Tính đến nay, hơn 53.000 ngôi nhà tạm đã được hoàn tất, mỗi căn hộ rộng khoảng 30m2, phù hợp với gia đình từ 2-5 người. Phần lớn trong số hơn 340.000 người bị mất nhà cửa đã được bố trí vào các khu nhà tạm như vậy.

Nhật Bản hiện đang lập kế hoạch hồi sinh một số khu vực, biến những nơi đó thành các cộng đồng tiết kiệm năng lượng và gọi đó là "những thành phố của tương lai".

Theo kế hoạch, ba thị trấn bị tàn phá gồm Ofunato, Rikuzentakata và Sumida Kesen sẽ trở thành nơi triển khai dự án năng lượng Mặt Trời khổng lồ đầu tiên trên thế giới với nguồn pin do địa phương cung cấp.

Kamaishi có kế hoạch cung cấp năng lượng riêng cho dân cư địa phương và thiết lập các ngành công nghiệp mới. Higashi Matsushima sẽ sử dụng các công nghệ xây dựng hiện đại nhất để tạo dựng cộng đồng có khả năng chống chọi với thảm họa. Iwanuma có thể sử dụng các đống đổ nát từ thảm họa để tái tạo môi trường tự nhiên với một mạng lưới điện Mặt Trời thông minh. Thị trấn Shinichi có kế hoạch trở thành một trung tâm hạ tầng thông tin, trong khi Minamisoma muốn trở thành thành phố sử dụng nguồn năng lượng gió.

Một năm sau thảm họa, vấn đề đặt ra cho Nhật Bản là phải đẩy mạnh cuộc cách mạng công nghệ hướng tới mục tiêu tiết kiệm năng lượng. Do thiếu hụt điện hạt nhân, Nhật Bản phải nhập khẩu than, dầu mỏ và khí đốt nhiều hơn. Năm 2011, cán cân thương mại của nước này đã bị thâm hụt lần đầu tiên kể từ hơn 30 năm qua.

[Nhật Bản tổ chức tưởng niệm 1 năm thảm họa kép]

Mặc dù chi tiêu cho nhập khẩu năng lượng không phải là mối lo ngại vì Nhật Bản có dự trữ ngoại tệ lớn, song tình trạng này không thể kéo dài khi nước này còn cần phải thúc đẩy tăng trưởng. Trong thời gian qua, Nhật Bản đã bắt đầu thực hiện cuộc cách mạng công nghệ mới, đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, pin điện, chất siêu dẫn. Và người ta tin rằng thảm họa kép 11/3/2011 có thể coi là thời điểm để Nhật Bản bắt đầu những thay đổi lớn, đòi hỏi sự quyết tâm để thực hiện những quyết định khó khăn.

Có thể nói sau thảm họa động đất Kobe năm 1995, đất nước Nhật Bản một lần nữa đã chứng tỏ bản lĩnh và khả năng phục hồi nhanh chóng. Ý chí kiên cường, sự nỗ lực bền bỉ và những kết quả ngoạn mục thu được chỉ trong một thời gian ngắn của hành trình tái thiết đã khẳng định sức sống mãnh liệt của dân tộc Nhật Bản. Điều đó khiến cả thế giới phải kinh ngạc và thán phục.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon đã lên tiếng ca ngợi sự phục hồi nhanh chóng của “xứ sở hoa anh đào” và đánh giá cao những tiến bộ của nước này trong nỗ lực tăng cường an toàn, an ninh hạt nhân.

Thảm họa động đất-sóng thần ở Nhật Bản đã khiến cộng đồng quốc tế rút ra nhiều bài học kinh nghiệm quý báu. Một trong những bài học lớn nhất là sự chuẩn bị sẵn sàng trong tình huống xấu nhất cho người dân các khu vực dễ xảy ra thảm họa. Nhật Bản đã để lại ấn tượng mà ít nước nào có thể sánh được về sự nâng cao nhận thức của công chúng đối với các nguy cơ, tổ chức các cuộc diễn tập sơ tán và huy động nhân dân phòng ngừa, ngăn chặn, sẵn sàng vượt qua thảm họa.

Tổng Giám đốc Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) Yukiya Amano cho rằng cộng đồng quốc tế đã có được nhiều bài học từ thảm họa Fukushima và nhờ đó an toàn hạt nhân đã được tăng cường hơn nữa.

Một mùa hoa anh đào nữa lại đến! Những nụ hoa đang ép mình đợi đến thời điểm nắng ấm để bắt đầu bung ra khoe sắc, mang đến cho xứ Phù Tang một diện mạo mới. Người dân Nhật Bản sẽ đón mùa hoa anh đào năm nay với những niềm tin mới bởi họ đã làm được những điều phi thường chỉ trong vòng một năm qua.

Dù công cuộc tái thiết ở phía trước còn dài và còn nhiều khó khăn, vất vả, song với bản lĩnh kiên cường và nghị lực phi thường, người dân Nhật Bản chắc chắn sẽ có những bước đi mãnh liệt hơn để sự hồi sinh sau thảm họa ở xứ sở Mặt Trời mọc ngoạn mục hơn./.

Tuyết Nhung-Cẩm Tuyến (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục