Chiến thắng Điện Biên Phủ và những vấn đề lịch sử

Hội thảo “Chiến thắng Điện Biên Phủ - Những vấn đề lịch sử"

Hơn 200 đại biểu tham dự Hội thảo “Chiến thắng Điện Biên Phủ - Những vấn đề lịch sử,” tổ chức ngày 6/5, tại Trường Đại học Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương.
Hội thảo “Chiến thắng Điện Biên Phủ - Những vấn đề lịch sử" ảnh 1Quang cảnh cuộc hội thảo. (Ảnh: Quách Lắm/TTXVN)

Ngày 6/5, tại Trường Đại học Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương đã diễn ra Hội thảo “Chiến thắng Điện Biên Phủ - Những vấn đề lịch sử,” với hơn 200 đại biểu là các nhà khoa học, cán bộ nghiên cứu giảng dạy lịch sử, các cơ quan, ban, ngành của các tỉnh, thành trong nước tham dự.

Hội thảo do Trường Đại học Khoa học xã hội nhân văn thuộc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh; Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh Thành phố Hồ Chí Minh và Trường Đại học Thủ Dầu Một phối hợp tổ chức.

Hội thảo nhằm khẳng định tầm vóc to lớn, giá trị lịch sử trọng đại của chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” mà dân tộc Việt Nam đã làm nên từ hơn nửa thế kỷ trước; nhìn lại những vấn đề lịch sử của cuộc chiến tranh thực dân Pháp-Việt với đỉnh cao là giai đoạn 1953-1954; những tương quan và mối quan hệ quốc tế trong thời kỳ kháng chiến và chiến cuộc Đông-Xuân 1953-1954; những hoạt động phối hợp chiến trường cả nước và các nước bạn trong thời kỳ chiến dịch Điện Biên Phủ; những ảnh hưởng, tác động và âm vang của Điện Biên Phủ đối với sự nghiệp cách mạng của Việt Nam, đối với khu vực và phong trào giải phóng dân tộc trên toàn thế giới.

Hơn 30 tham luận trình bày tại hội thảo. Ban tổ chức đã nhận được gần 210 bài viết của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, các tướng lĩnh sỹ quan quân đội, các cán bộ quản lý văn hóa-khoa học-giáo dục của cả nước gửi và đã chọn gần 150 bài để in thành sách “Chiến thắng Điện biên Phủ - Những vấn đề lịch sử” gồm 4 tập.

Đây sẽ là bộ sách có giá trị khoa học đối với công tác nghiên cứu, đào tạo trong các cơ quan khoa học, các trường đại học, cao đẳng; đồng thời phục vụ tốt cho công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng, lòng tự hào dân tộc cho các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ hôm nay.

Hội thảo đã tập hợp và hệ thống được một khối lượng thông tin khoa học đồ sộ về chiến thắng Điện Biên Phủ. Nhiều báo cáo đã làm rõ các nội dung quan trong của chiến thắng từ các vấn đề về chiến lược, chiến thuật, kết quả, ý nghĩa... đến những khía cạnh quốc tế, mối quan hệ và ý đồ của các cường quốc trước, trong và sau chiến dịch Điện Biên Phủ; sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế đối với Việt Nam trong giai đoạn cuối của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.

Hội thảo đã tiếp cận được những kết quả nghiên cứu mới mẻ của các nhà khoa học về chiến thắng Điện Biên Phủ. Đó là những nghiên cứu chuyên sâu liên quan đến các vấn đề về địa lý quân sự trong chiến dịch Điện Biên Phủ; sự nhìn nhận, đánh giá từ những người bên kia chiến tuyến, những tù binh, hàng binh Pháp trong chiến trường Điện Biên Phủ, hay các vấn đề nghệ thuật đánh vây lấn, nghệ thuật thế thắng lực, chiến thuật sử dụng chiến hào; tái hiện sinh động nhiều hoạt động của các địa phương trong cả nước “chia lửa” với chiến trường Điện Biên Phủ cách đây 60 năm, nhất là trên chiến trường Nam Bộ.

Bên cạnh đó, một số báo cáo tham luận đi sâu vào công tác bảo tồn và phát huy giá trị quần thể Di tích chiến trường Điện Biên Phủ, gợi mở các vấn đề về lý luận và thực tiễn cùng các giải pháp khai thác, phát huy giá trị di tích lịch sử chiến thắng Điện Biên Phủ...

Một số tham luận được người nghe chú ý như "Điện Biên Phủ nhìn từ khía cạnh chính trị của chiến tranh lạnh" của phó giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Ngọc Dung (Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh); "Từ tư tưởng 'đánh chắc thắng'” đến quyết định thay đổi phương châm tác chiến trong chiến dịch Điện Biên Phủ” của phó giáo sư, tiến sỹ Trần Ngọc Long (Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam); "Điện Biên Phủ-Geneva với việc chấm dứt cuộc chiến tranh ở Đông Dương"của Thiếu tướng Trịnh Vương Hồng (nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự)...

Hội thảo còn trưng bày, triển lãm tài liệu về chiến dịch Điện Biên Phủ và Hiệp định Geneve bao gồm ảnh (trong đó có bộ ảnh Điện Biên Phủ của nhà nhiếp ảnh Pháp Raymond Cauchetier ít được công chúng biết đến), các văn bản hiệp định, sách, báo trong chiến dịch Điện Biên Phủ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục