Hội thảo khoa học quốc tế Lãnh đạo học và chính sách công

Hội thảo tại Thành phố Hồ Chí Minh là diễn đàn để các học giả, nhà nghiên cứu và hoạch định chính sách đến từ các quốc gia trao đổi, thảo luận kiến thức về quản lý, lãnh đạo, hành chính và quản trị.
Hội thảo khoa học quốc tế Lãnh đạo học và chính sách công ảnh 1Quang cảnh hội thảo. (Ảnh: Thu Hoài/TTXVN)

Ngày 28/10, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị khu vực II phối hợp cùng Hội Khoa học và chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE Global) tổ chức hội thảo khoa học quốc tế “Lãnh đạo học và chính sách công.”

Phát biểu khai mạc hội thảo, phó giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Viết Thảo - Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh chia sẻ Việt Nam đã trải qua hơn 30 năm đổi mới thành công và các thành tựu to lớn trên các lĩnh vực, tạo ra thế và lực mới cho Việt Nam.

Các thành tựu đó đã phản ánh sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng cầm quyền, việc quản lý có hiệu quả của chính quyền các cấp.

Tuy nhiên, nhìn thẳng vào trình độ cũng như chất lượng phát triển của đất nước, Việt Nam vẫn còn đứng trước nhiều thách thức.

Trong khi đó, thời kỳ tới, Việt Nam phải thực hiện thành công nhiều mục tiêu, nhiệm vụ to lớn và nặng nề, đó là vượt qua bẫy thu nhập trung bình để quốc gia cất cánh, từng bước trở thành quốc gia phát triển; công nghiệp hóa, hiện đại hóa thành công; xây dựng thành công một xã hội phát triển bền vững; bảo vệ vững chắc Tổ quốc trước các mối đe dọa đến độc lập, toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền quốc gia.

[Cổng dịch vụ công trực tuyến thành phố Đà Nẵng chính thức hoạt động]

Hội thảo khoa học quốc tế Lãnh đạo học và chính sách công ảnh 2Phó giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Viết Thảo, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: Thu Hoài/TTXVN)

Thực tế đó đòi hỏi các cấp lãnh đạo, quản lý của Việt Nam phải có tư duy mới, tầm nhìn mới và phong cách hoạt động mới trong lãnh đạo và quản lý.

Đây là đòi hỏi tự thân của Việt Nam trong quá trình phát triển trong những thập kỷ tới.

Theo phó giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Viết Thảo, Việt Nam phải thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ nặng nề trên trong bối cảnh thế giới thay đổi phức tạp, nhanh chóng, không quốc gia nào có thể phát triển được nếu không đặt mình vào trong bối cảnh đó.

Việt Nam đang là một trong những nền kinh tế hội nhập sâu với kinh tế toàn cầu; cùng với đó, sự hội nhập các lĩnh vực khác, từ văn hóa-xã hội, an ninh, chính trị… cũng ở mức độ toàn diện, sâu sắc.

Vì thế, đòi hỏi đổi mới tư duy, tầm nhìn, phong cách lãnh đạo, quản lý càng trở nên cấp thiết hơn đối với các cấp lãnh đạo, chính quyền.

Ý thức được điều này, Học viện đã và đang triển khai nhiều chương trình, từ đào tạo cơ bản đến bồi dưỡng thường xuyên nhằm tăng cường kỹ năng lãnh đạo, tầm nhìn cho các cấp lãnh đạo, cán bộ quản lý.

Diễn ra trong 2 ngày 28 và 29/10, hội thảo có sự tham gia của nhiều chuyên gia, nhà khoa học trong nước và quốc tế.

Đây là diễn đàn để các học giả, nhà nghiên cứu và hoạch định chính sách đến từ các quốc gia trao đổi, thảo luận kiến thức về quản lý, lãnh đạo, hành chính và quản trị.

Các tham luận và phiên thảo luận của hội thảo tập trung các chủ đề gồm Tài chính sáng tạo cho đầu tư cơ sở hạ tầng thành phố ở châu Á bằng cách tăng tỷ suất lợi nhuận từ doanh thu thuế lan tỏa; Lãnh đạo công: Những thách thức trong nghiên cứu và các chương trình đào tạo; Vốn nhân lực: Cách tiếp cận mới để tăng cường lực lượng lao động lành nghề; Phát triển bền vững: Từ hoạch định chính sách đến thực tiễn lãnh đạo; Lãnh đạo trong kỷ nguyên mới: Chuyển hóa và thay đổi; Quy trình hoạch định chính sách: Các bên liên quan và vai trò trong bối cảnh Việt Nam; Vốn nhân lực: Chính sách giáo dục, đào tạo và xã hội hóa tại Việt Nam; Phát triển bền vững: Thách thức giữa đô thị và nông thôn; Lãnh đạo kỷ nguyên mới: Thách thức toàn cầu và địa phương; Đối tác công-tư: Cơ hội và thách thức đối với Việt Nam; Đổi mới xã hội và chính sách xã hội ở Việt Nam; Lãnh đạo công chúng và chính trị; Công nghệ trong việc hoạch định chính sách công./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục