Hội thảo khoa học về phát triển bền vững vùng Tây Nam bộ

Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ và Ủy ban Nhân dân tỉnh Kiên Giang phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học phát triển bền vững vùng Tây Nam bộ.
Hội thảo khoa học về phát triển bền vững vùng Tây Nam bộ ảnh 1(Ảnh minh họa: Mạnh Linh/TTXVN)

Ngày 27/3, tại huyện đảo Phú Quốc (Kiên Giang), Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, Ủy ban Nhân dân tỉnh Kiên Giang phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học phát triển bền vững vùng Tây Nam bộ: Triển khai các nhiệm vụ từ góc độ khoa học xã hội và nhân văn.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng ban Chỉ đạo Tây Nam bộ chủ trì hội thảo.

Tham dự hội thảo còn có đại diện lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, các nhà khoa học, lãnh đạo Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ, các tỉnh, thành phố vùng Tây Nam bộ.

Phát biểu tại hội thảo, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh cho rằng, thời gian qua mặc dù rất có tiềm năng nhưng vùng đồng bằng sông Cửu Long phát triển chưa bền vững; chuyển dịch cơ cấu kinh tế còn chậm; liên kết hợp tác trong nội bộ vùng, giữa vùng với các nước, các tỉnh trong cả nước còn hạn chế; tỷ lệ hộ nghèo còn cao, nhất là vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc Khmer.

Bên cạnh đó, nguồn nhân lực chưa cao, còn thiếu cả lao động có tay nghề lẫn số lượng lao động. Cùng với đó là sự biến đổi khí hậu, tác động về môi trường cũng là những thách thức lớn đối với vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Để đưa vùng Tây Nam bộ trở thành vùng động lực phát triển kinh tế của cả nước, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý giao cho Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam phối hợp với Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh khởi động đề xuất chương trình nghiên cứu tổng thể về phát triển bền vững vùng Tây Nam bộ.

Chương trình nghiên cứu tổng thể về phát triển bền vững vùng Tây Nam bộ chia thành 2 giai đoạn nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn. Giai đoạn 1, từ năm 2015-2017 tập trung triển khai nghiên cứu các nhiệm vụ khoa học và công nghệ để giải quyết các vấn đề toàn diện ở tầm vĩ mô liên quan đến phát triển bền vững vùng Tây Nam bộ.

Trong năm 2015, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam chủ trì thu thập, tổng hợp các đề xuất nghiên cứu từ các tổ chức trong nước và tổ chức xét duyệt, lựa chọn ra 15 nhiệm vụ khoa học và công nghệ để triển khai thực hiện. Điển hình như nhiệm vụ điều tra, xây dựng cơ sở dữ liệu phát triển kinh tế-xã hội bền vững vùng Tây Nam bộ; tổng kết 30 năm đổi mới và phát triển vùng Tây Nam bộ; thể chế cho phát triển bền vững và chuyển dịch cơ cấu kinh tế vùng Tây Nam bộ; cơ chế chính sách liên kết vùng; hiện thực hóa đặc khu kinh tế Phú Quốc; vấn đề quốc phòng an ninh; hệ thống chính trị cơ sở, giáo dục đào tạo với phát triển nguồn nhân lực; dân tộc và tôn giáo…

Giai đoạn 2, từ năm 2017-2019 tập trung triển khai nghiên cứu các nhiệm vụ khoa học và công nghệ liên quan đến các vấn đề hết sức cụ thể của các ngành, lĩnh vực của các tỉnh, thành và của vùng Tây Nam bộ nhằm giải quyết đồng bộ các vấn đề kinh tế-xã hội cấp thiết của vùng, cũng như xây dựng, đề xuất các mô hình sản xuất kinh doanh, mô hình liên kết, các giải pháp đột phá phát triển các lĩnh vực, sản phẩm chủ lực dựa trên lợi thế đặc thù của các tỉnh, thành vùng Tây Nam bộ.

Tại hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận về các vấn đề trọng điểm, bức xúc về khoa học xã hội và nhân văn và phát triển bền vững của vùng Tây Nam bộ; thống nhất về cách thức đặt hàng, đề xuất nghiên cứu, cách thức triển khai, cơ chế phối hợp giữa Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam với Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ, Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trong khu vực, các trường đại học và viện nghiên cứu trong vùng và cả nước.

Giáo sư tiến sỹ Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam cho biết qua hội thảo, chúng tôi mong muốn nhận được đề xuất các ý tưởng nghiên cứu trong triển khai đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ khoa học và công nghệ.

Đồng thời, đưa ra được các kiến nghị, giải pháp chính sách, các mô hình sản xuất kinh doanh, mô hình liên kết có tính thực tiễn cao, phát huy các lợi thế đặc thù của vùng, tiểu vùng và các tỉnh trong vùng, góp phần đưa vùng Tây Nam bộ trở thành vùng động lực tăng trưởng và phát triển kinh tế quan trọng hàng đầu của cả nước, tạo được sự lan tỏa phát triển đối với những vùng khác trong cả nước./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục