Hội thảo kỷ niệm sáu năm cuộc đàm phán sáu bên

Hơn 20 học giả quốc tế tham dự hội thảo kỷ niệm 6 năm ngày các nước thành viên ra Tuyên bố 19/9, tổ chức ngày 19/9, tại Trung Quốc.
Ngày 19/9, Phòng Nghiên cứu các vấn đề quốc tế thuộc Bộ Ngoại giao Trung Quốc tổ chức hội thảo kỷ niệm 6 năm ngày các nước thành viên ra “Tuyên bố chung đầu tiên về đàm phán sáu bên vòng bốn về vấn đề phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên” (Tuyên bố 19/9).

Hơn 20 chuyên gia, học giả đến từ các nước Mỹ, Nga, Nhật Bản, Australia, Singapore, Hàn Quốc, Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên và Trung Quốc đã tham dự cuộc hội thảo.

Phát biểu tại hội thảo, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Dương Khiết Trì nhấn mạnh: “Tuyên bố 19/9” là bản tuyên bố chung đầu tiên của các bên kể từ khi khởi động tiến trình đàm phán sáu bên về phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên, vì vậy có ý nghĩa rất quan trọng và mang tính lịch sử.

Theo ông Dương Khiết Trì, thực tiễn đã chứng minh đàm phán sáu bên là một cơ chế hiệu quả đối với việc thực hiện phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên cũng như duy trì hòa bình, ổn định tại bán đảo và khu vực Đông Bắc Á. Ông kêu gọi tất cả các bên liên quan nắm bắt các cơ hội, duy trì động lực đối thoại, tăng cường lòng tin lẫn nhau và cải thiện quan hệ với các bên liên quan khác để tạo điều kiện nối lại đàm phán sáu bên.

Ông Dương Khiết Trì khẳng định Trung Quốc sẽ tiếp tục trung thành với cam kết trong “Tuyên bố 19/9,” tích cực thúc đẩy cũng như phát huy vai trò xây dựng của mình trong tiến trình đàm phán sáu bên.

Trong khi đó, hãng tin Yonhap của Hàn Quốc đưa tin Trưởng đoàn đàm phán hạt nhân của Triều Tiên Ri Yong-ho ngày 19/9 kêu gọi nối lại đàm phán sáu bên không kèm theo điều kiện tiên quyết.

Theo Yonhap, tuyên bố của ông Ri Yong-ho được đưa ra tại cuộc hội thảo ở Bắc Kinh, trước khi ông có cuộc đàm phán song phương với người đồng cấp Hàn Quốc Wi Sung-lac dự kiến vào ngày 21/9 tới.

Ông Ri Yong-ho cho rằng việc gắn các điều kiện tiên quyết trước khi đối thoại là "xúc phạm lòng tin và sự tin cậy lẫn nhau của các bên," đồng thời cho biết sẽ thuyết phục ông Wi Sung-lac ủng hộ lập trường trên của Triều Tiên khi hai trưởng đoàn gặp nhau vào ngày 21/9 tới.

Trước đó, Triều Tiên đã nhiều lần kêu gọi nối lại đàm phán sáu bên vô điều kiện. Song, cả Seoul và Washington đều yêu cầu Bình Nhưỡng phải ngừng tất cả các hành động hạt nhân và cho phép các thanh sát viên Liên hợp quốc giám sát trước khi các cuộc đàm phán sáu bên có thể được nối lại./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục