Hội thảo nhìn lại nền báo chí Việt Nam sau 30 năm đổi mới

Sáng 29/12 tại Hà Nội, Hội Nhà báo Việt Nam, Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ Thông tin và Truyền thông đã phối hợp tổ chức Hội thảo quốc gia về 30 năm đổi mới nền báo chí.
Hội thảo nhìn lại nền báo chí Việt Nam sau 30 năm đổi mới ảnh 1Buổi hội thảo có sự tham dự của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước cùng gần 200 đại biểu. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Sáng 29/12 tại Hà Nội, Hội Nhà báo Việt Nam, Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ Thông tin và Truyền thông đã phối hợp tổ chức Hội thảo quốc gia "Báo chí 30 năm đổi mới - Những vấn đề lý luận và thực tiễn".

Hội thảo có sự tham dự của các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước cùng gần 200 đại biểu lãnh đạo các cơ quan Trung ương và địa phương, lãnh đạo các cơ quan báo chí, tổ chức Hội Nhà báo các cấp, các cơ sở nghiên cứu và đào tạo báo chí, các nhà khoa học, nhà báo... trên cả nước.

Tính đến thời điểm này, hội thảo đã nhận được hơn 70 tham luận từ các đại biểu trên khắp cả nước. Các tham luận tập trung đánh giá những bài học kinh nghiệm hoạt động báo chí qua 30 năm đổi mới, đó là: Đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước về báo chí 30 năm qua; Vai trò và đóng góp của báo chí với sự phát triển của đất nước; sự phát triển lý luận báo chí và những thách thức từ ảnh hưởng và cạnh tranh thông tin của báo điện tử, truyền thông xã hội với báo chí truyền thống; công tác chỉ đạo, quản lý báo chí; trách nhiệm và chất lượng cung cấp thông tin của các cơ quan chức năng đối với báo chí; xử lý mối quan hệ báo chí và mạng xã hội; những xu hướng phát triển báo chí hiện đại và sự thích ứng của báo chí Việt Nam; những vấn đề đạo đức nghề nghiệp của nhà báo hiện nay.

Đồng chí Thuận Hữu, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam phát biểu, trong công cuộc đổi mới của đất nước, báo chí là lực lượng đi đầu tuyên truyền, cổ vũ chủ trương, đường lối đổi mới của Đảng và chính báo chí cũng được hưởng những thành quả của đổi mới, tư duy lãnh đạo của Đảng với công tác báo chí.

Hội thảo nhìn lại nền báo chí Việt Nam sau 30 năm đổi mới ảnh 2Đồng chí Nguyễn Đức Lợi, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy, Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam tham dự buổi hội thảo. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Tuy nhiên, trước những yêu cầu mới của nhiệm vụ chính trị được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó, báo chí cũng đang bộc lộ những bất cập, yếu kém, bên cạnh cơ hội mới, báo chí cũng đối mặt nhiều thách thức phải vượt qua.

Hội thảo nhìn nhận, thảo luận, đánh giá những bài học kinh nghiệm hoạt động báo chí qua 30 năm đổi mới. Đó là những vấn đề về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước về báo chí 30 năm qua; Những vấn đề nghiệp vụ của báo chí; Những sai phạm, bất cập thường gặp; Xử lý mối quan hệ báo chí với mạng xã hội...

Cũng tại buổi hội thảo, nhà báo Phan Quang, Nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam chỉ ra, ngày nay với sự bùng nổ thông tin, báo chí phát triển ồ ạt, tình trạng người làm báo ngồi nhà gõ máy "đạo báo, đạo văn" ngày càng nhiều. Theo ông, luật sở hữu trí tuệ đã ban hành, song việc "cắt, dán", thậm chí bê nguyên xi công trình của người khác làm tác phẩm của mình càng dễ dãi.

"Không ít người làm báo xa rời tôn chỉ, mục đích cơ quan mình làm việc, nhận lương của báo này những làm cho báo khác là chính. Đáng quan tâm là nhận thức chưa đúng về quyền tự do ngôn luận, phát ngôn  thiếu thận trọng, sử dụng không kiểm tra nguồn tin từ mạng xã hội...", nhà báo Phan Quang nói.

Hội thảo nhìn lại nền báo chí Việt Nam sau 30 năm đổi mới ảnh 3Nhà báo Phan Quang, Nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam phát biểu tại Hội thảo. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Thượng tá Nguyễn Văn Hải, đại diện báo Quân đội nhân dân chỉ ra nguyên nhân khiến người làm báo sa sút đạo đức nghề nghiệp vẫn chủ yếu xuất phát từ nhận thức, ý thức, thái độ, hành vi của họ chưa đầy đủ, thiếu chuẩn mực trong hoạt động báo chí.

Theo ông, nghề làm báo vốn là nghề đòi hỏi sự khắt khe về chính trị, đạo đức, nghiệp vụ mới có thể làm việc được hanh thông, trôi chảy, vậy nhưng lại có người làm báo lại nhởn nhơ, cẩu thả, gặp đâu viết đấy, thấy thông tin gì cũng vội vàng đưa lên mặt báo trong khi bản thân thì  lập trường tư tưởng bấp bênh, bản lĩnh chính trị phập phủ, tinh thần trách nhiệm xã hội non nớt.

Ông nêu sự cảnh báo đã và đang xuất hiện, một số người làm báo lạm dụng quyền hạn nghề báo, bất chấp đạo đức nghề nghiệp để háo dạnh, trục lợi, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự, uy tín báo giới và gây mất niềm tin cho công chúng, xã hội.

Tại buổi chiều nay, Hội thảo chia tổ thảo luận ở hai tiểu ban: Những vấn đề lý luận báo chí- truyền thông và Những vấn đề thực tiễn hoạt động báo chí.

Cũng trong khuôn khổ Hội thảo, Hội Nhà báo Việt Nam, với vai trò Chủ tịch Liên đoàn các nhà báo ASEAN (CAJ) đã tổ chức trao giải Ảnh báo chí "ASEAN - Một cộng đồng" cho các tác giả thuộc CAJ, triển lãm 87 tác phẩm ảnh báo chí tiêu biểu của các nhà báo ASEAN về đất nước, con người các quốc gia thành viên./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục