Hội thảo quốc tế Nhật Bản-Tiểu vùng sông Mekong

Hội thảo quốc tế Nhật Bản-Tiểu vùng sông Mekong là dịp để các nhà khoa học đưa ra cách nhìn nhận mới và bàn thảo các vấn đề quan trọng.
Chào mừng Hội nghị cấp cao Nhật Bản-Mekong lần thứ 2, trường Đại học Xã hội Nhân Văn Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu Nhật Bản tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế "Nhật Bản và các nước tiểu vùng sông Mekong" (gồm Việt Nam-Lào-Thái Lan-Campuchia).

Hội thảo diễn ra trong hai ngày (29-30/10), với sự tham dự của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, các chuyên gia trong và ngoài nước, đến từ các trường đại học, viện-trung tâm nghiên cứu của Nhật Bản, Thái Lan, Lào và Việt Nam.

Tại hội thảo đã có 46 báo cáo, tập trung vào những vấn đề về lịch sử, văn hóa và kinh tế-xã hội giữa Nhật Bản và các nước tiểu vùng sông Mekong.

Phó giáo sư, tiến sỹ Võ Văn Sen, Hiệu trưởng Trường Đại học Xã hội và Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, đây là dịp để các nhà khoa học Việt Nam và quốc tế đưa ra những cách nhìn mới, đánh giá mới và cùng nhau bàn thảo những vấn đề quan trọng, cần được làm sáng tỏ như sự biến đổi trong chính sách Nhật Bản đối với tiểu vùng sông Mekong với tư cách là một “chính sách khu vực”…

Hội thảo cũng sẽ là bước đi đúng hướng, có tính tiên phong nhằm nắm bắt những quan hệ đối tác mới xuất hiện trong khu vực và có mối quan hệ mật thiết với Việt Nam.

Đi vào những vấn đề lịch sử-văn hóa, nhiều báo cáo đề cập đến mối quan hệ giữa Nhật Bản với tiểu vùng sông Mekong hay từng khu vực, từng quốc gia trong những thời kỳ và giai đoạn khác nhau.

Đề cập đến lĩnh vực văn hóa-giáo dục, các báo cáo cũng đã giới thiệu sự đa dạng, phong phú và giàu bản sắc của nền văn hóa các nước tiểu vùng sông Mekong, cùng sự giao thoa văn hóa, ảnh hưởng của văn hóa Nhật Bản đến các nước trong tiểu vùng.

Bàn về quan hệ Nhật Bản-Tiểu vùng sông Mekong ngày nay, phần lớn các tham luận đi vào những vấn đề kinh tế-xã hội, hợp tác, đầu tư, thương mại..., phân tích những đặc điểm của mối quan hệ Nhật Bản-Tiểu vùng sông Mekong và đề xuất các biện pháp để phát triển mối quan hệ bền vững.

Với bài viết "Phát triển kinh tế ở ba nước lưu vực sông Mekong - Nhìn từ quan điểm của Nhật Bản," ông Ueda Yoshiaki, Phó giám đốc Trung tâm Giao lưu kinh tế Nhật Bản-Việt Nam đã cho rằng, lý do Nhật Bản đặc biệt quan tâm đến sự phát triển kinh tế của các nước thuộc khu vực sông Mekong là vì khu vực này được kỳ vọng rất nhiều vào sự phát triển kinh tế. Hơn nữa, đây còn là khu vực có tiềm năng trong việc phát triển kinh tế khối ASEAN và toàn thể khu vực Đông Nam Á.

Chính vì vậy, hiện tại Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc và cơ quan tài chính quốc tế đang hợp tác trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng lưu thông hàng hóa giữa các quốc gia này.

Những hành lang kinh tế được chính phủ Nhật Bản và Ngân hàng Phát triển châu Á hỗ trợ như hành lang kinh tế Đông Tây, Hành lang kinh tế phía Nam, Hành làng kinh tế Nam Bắc... sẽ tăng cường mối liên kết giữa các quốc gia thuộc lưu vực sông Mekong./.

Gia Thuận (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục