Hội thảo quốc tế về chính sách kinh tế và thương mại châu Á năm 2020

Hội thảo quốc tế với chủ đề “Những ưu tiên trong chính sách kinh tế và thương mại châu Á năm 2020,” tổ chức ngày 29/10 tại Jakarta của Indonesia.
Các chuyên gia thảo luận tại hội thảo. (Ảnh: Hải Ngọc/TTXVN)
Các chuyên gia thảo luận tại hội thảo. (Ảnh: Hải Ngọc/TTXVN)

Ngày 29/10 tại Jakarta, Cơ quan Nghiên cứu Kinh tế Indonesia (IBER) và Cơ quan Nghiên cứu Kinh tế châu Á (ABER) phối hợp tổ chức Hội thảo quốc tế với chủ đề “Những ưu tiên trong chính sách kinh tế và thương mại châu Á năm 2020,” với sự hỗ trợ của Viện nghiên cứu kinh tế Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và châu Á (ERIA), Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế Indonesia (CSIS).

Tham dự hội thảo có các chuyên gia kinh tế, học giả trong và ngoài nước; các quan chức Chính phủ Indonesia; đại diện các cơ quan ngoại giao quốc tế tại Indonesia và báo giới khu vực, quốc tế…

Hội thảo quốc tế về những ưu tiên trong chính sách kinh tế và thương mại châu Á năm 2020 nhằm mục đích tạo cơ sở quan trọng để tập hợp ý kiến hướng tới giải quyết những khó khăn, thách thức mà nền kinh tế châu Á đang phải đối mặt, trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, vốn đang ảnh hưởng đến các chuỗi cung ứng cũng như gây tổn hại đến dòng chảy thương mại và tài chính xuyên quốc gia, có nguy cơ chuyển hướng sang một cuộc chiến tiền tệ.

Bên cạnh đó, mối đe dọa từ Brexit (nước Anh rời Liên minh châu Âu) không thỏa thuận và các vấn đề liên quan cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020… đang tạo ra một môi trường chính sách toàn cầu khó lường.

Cuộc hội thảo quốc tế này được xác định là cơ hội để thảo luận và đưa ra các giải pháp hữu hiệu về các ưu tiên trong chính sách kinh tế và thương mại châu Á trong năm tới.

Hội thảo được tiến hành với ba phiên thảo luận, với sự tham gia của các chuyên gia kinh tế hàng đầu Indonesia và quốc tế.

[IMF cảnh báo căng thẳng Mỹ-Trung làm giảm tăng trưởng kinh tế châu Á]

Tại phiên thảo luận đầu tiên, các chuyên gia đã chỉ ra những nguy cơ và rủi ro mà nền kinh tế châu Á đang phải đối mặt.

Tại phiên thảo luận thứ hai, hội thảo tập trung đánh giá tính hiệu quả của hệ thống giao dịch toàn cầu và châu Á, từ đó cung cấp những giải pháp mang tính điều chỉnh để mọi hoạt động được vận hành tốt hơn trong tình hình mới, đặc biệt là khi nền kinh tế châu Á đang phải đối mặt với nhiều rủi ro.

Vấn đề về cơ sở hạ tầng, đầu tư và kinh tế số được các chuyên gia tập trung thảo luận tại phiên thảo luận thứ ba.

Phát biểu tại hội thảo, ông Perry Warjiyo, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Indonesia cho biết có ít nhất ba vấn đề chính mà Indonesia và các quốc gia châu Á phải đối mặt. Đó là sự chững lại của kinh tế toàn cầu; tính hiệu quả của các chính sách tiền tệ phụ thuộc vào lãi suất và số hóa; sự chuyển đổi kinh tế và tài chính.

Các chuyên gia tham dự hội thảo đều có chung đánh giá rằng, chính phủ và các ngân hàng trung ương ở châu Á thường dựa vào các chính sách tài khóa và tiền tệ để đối phó với các rủi ro bên ngoài mà họ gặp phải.

Indonesia và các nền kinh tế châu Á khác phải cải thiện mạng lưới an toàn toàn cầu để các quốc gia này có thể cung cấp đủ thanh khoản trong thời kỳ khủng hoảng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục