Hội thảo quốc tế về quản lý nợ công, nợ nước ngoài

Hội thảo quốc tế về quản lý nợ công và nợ nước ngoài quốc gia nhằm tìm giải pháp giải quyết thách thức và quản lý nợ bền vững ở VN.
Ngày 17/10, tại Hà Nội, Bộ Tài chính đã phối hợp cùng Ngân hàng Thế giới (WB) và Diễn đàn Liên hợp quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD) tổ chức Hội thảo quốc tế về quản lý nợ công và nợ nước ngoài quốc gia.

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trương Chí Trung nêu rõ mục tiêu của hội thảo là nhằm chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm và bài học về quản lý nợ tiên tiến từ các tổ chức tài chính quốc tế và các cơ quan quản lý nợ nước ngoài, đồng thời cũng đưa ra những góp ý nhận xét về tình hình nợ công và việc thực hiện công tác quản lý nợ của Việt Nam, những kết quả đạt được, những vấn đề còn tồn tại, thách thức và giải pháp quản lý nợ bền vững của Việt Nam.

Theo ông Nguyễn Thành Đô, Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính), hiện nay, Việt Nam định hướng quản lý nợ bằng điều hành kinh tế vĩ mô hiệu quả, tăng thu ngân sách, xuất khẩu và dự trữ ngoại hối, tiếp tục tăng cường giám sát hiệu quả sử dụng vốn vay và công tác quản lý rủi ro.

Các giải pháp cụ thể được đặt ra là tiếp tục hoàn thiện các công cụ quản lý nợ, xây dựng danh mục dự án sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ, vay lại vốn vay nước ngoài và bảo lãnh, đảm bảo an toàn bền vững nợ thông qua việc xây dựng ngưỡng an toàn và hạn mức vay phù hợp…

Đối với Việt Nam, Luật Quản lý nợ công năm 2009 quy định nợ công bao gồm nợ Chính phủ, nợ được Chính phủ bảo lãnh và nợ chính quyền địa phương.

Mục tiêu quản lý nợ công của Việt Nam tương đối rõ ràng, nếu một số nước trên thế giới vay cho chi tiêu thường xuyên, vay cho bộ máy hành chính thì ở Việt Nam vay nợ là để đầu tư phát triển.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, tính đến ngày 31/12/2010, nợ công của Việt Nam đang là 57,3% GDP; nợ Chính phủ là 45,7% GDP và nợ nước ngoài của quốc gia là 42,2% GDP.

Tuy nhiên, Bộ Tài chính đánh giá các chỉ số nợ này đều đang ở mức an toàn và nợ công đang được quản lý chặt chẽ theo quy định của Luật Quản lý nợ công, các khoản nợ trong nước và nước ngoài đều được thanh toán đầy đủ, không có nợ xấu. Đồng thời các khoản vay phần lớn đều là vay dài hạn, với lãi suất ưu đãi, hiện tại nợ công chưa gây sức ép cho ngân sách nhà nước về nghĩa vụ trả nợ đến hạn.

Để đánh giá tính bền vững của nợ công, tiêu chí tỷ lệ nợ công/GDP được coi là chỉ số đánh giá phổ biến nhất cho cái nhìn tổng quát về tình hình nợ công của một quốc gia, đánh giá mức an toàn của nợ công.

Theo các chuyên gia kinh tế thì để xác định, đánh giá đúng đắn mức độ an toàn của nợ công, không thể chỉ quan tâm đến tỷ lệ nợ trên GDP mà cần phải xem xét nợ công một cách toàn diện trong mối liên hệ với hệ thống các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô của nền kinh tế quốc dân.

Bên cạnh đó, những tiêu chí như cơ cấu nợ công, tỷ trọng các loại nợ, cơ cấu lãi suất, thời gian trả nợ… cũng cần được phân tích kỹ lưỡng khi đánh giá tính bền vững nợ công./.

Thùy Dương (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục