Hội thảo về định hướng xây dựng Luật nghệ thuật biểu diễn

Theo các chuyên gia, việc xây dựng Luật nghệ thuật biểu diễn nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý về biểu diễn nghệ thuật trong thời kỳ hội nhập.
Hội thảo về định hướng xây dựng Luật nghệ thuật biểu diễn ảnh 1Ảnh minh họa. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)

Ngày 11/11, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tổ chức Hội thảo đánh giá việc thực thi pháp luật lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn và định hướng xây dựng Luật nghệ thuật biểu diễn.

Tại hội thảo, hầu hết các đại biểu nhận định, hoạt động nghệ thuật biểu diễn trong những năm qua đã có những đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của đất nước, từng bước nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân, góp phần gìn giữ, bảo tồn phát huy hiệu quả các giá trị văn hóa truyền thống, giáo dục lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc, tôn vinh quá khứ hào hùng trong lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc.

Các đại biểu khẳng định văn hóa nghệ thuật luôn được Đảng và Nhà nước coi trọng, nhiều văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn được ban hành nhằm tăng cường quản lý các hoạt động văn hóa và dịch vụ văn hóa, bài trừ tệ nạn xã hội… như Nghị định 87/CP ngày 12/12/1995, Quyết định 32/1999/DĐ về quy chế sản xuất, xuất nhập khẩu lưu hành và kinh doanh băng đĩa…

Gần đây, trước yêu cầu của thực tiễn là Nghị định 79/2012/NĐ-CP về biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang và Thông tư 03/2013/TT-BVHTTDL đã đánh dấu một bước tiến quan trọng trong công tác xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Qua đó, giúp tăng cường phân cấp quản lý, làm rõ vai trò và trách nhiệm của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các cơ quan quản lý Nhà nước tại địa phương; đồng thời nâng cao ý thức trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, trong việc thực hiện các quy định của pháp luật trong biểu diễn nghệ thuật.

Theo Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Vương Duy Biên, vẫn còn một số hạn chế đặc biệt trong tình hình hiện nay khi Việt Nam gia nhập, ký kết nhiều hiệp định, hiệp ước song phương, đa phương với quốc tế như WTO, FTA, TPP…

Hầu hết các quốc gia trên thế giới đều coi văn bản Luật là chế định để áp dụng, điều chỉnh các lĩnh vực hợp tác quốc tế, trong khi đó hệ thống văn quy phạm pháp luật lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn mới dừng lại ở Nghị định và Thông tư nên chưa phù hợp với thông lệ chung của quốc tế.

Bên cạnh đó, các văn bản pháp luật hiện nay chưa quy định rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước trong kiểm tra, cấp phép, thu hồi giấy phép…

Ông Trần Văn Minh, Phó Chánh thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng khẳng định hiện vẫn còn nhiều vi phạm quảng cáo trong hoạt động biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang như: quảng cáo sai sự thật; không thông báo nội dung quảng cáo trên bảng, băngrôn đến cơ quan Nhà nước có thẩm quyền nơi thực hiện quảng cáo…

Vì vậy, cần sửa đổi, bổ sung hoặc xây dựng Luật nghệ thuật biểu diễn với những quy định về biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; cuộc thi người đẹp, người mẫu; thanh tra, xử lý vi phạm… để đáp ứng yêu cầu quản lý trong thời kỳ hội nhập./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục