Hội thảo về kinh nghiệm vượt qua khủng hoảng

Hơn 70 đại biểu đến từ các nước thành viên ASEM tham dự hội thảo trao đổi kinh nghiệm đối phó khủng hoảng, tổ chức tại Nha Trang.
Sáng 26/ 4, tại thành phố Nha Trang, Khánh Hòa, hơn 70 nhà khoa học, đại diện các viện kinh tế, cơ quan hoạch định chính sách và cộng đồng doanh nghiệp đến từ các nước thành viên ASEM đã tham dự phiên mở đầu hội thảo khoa học với chủ đề: “Vượt qua khủng hoảng - Định hình sự phát triển trong bối cảnh mới.”

Hội thảo - do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam), là một trong những sáng kiến về “Diễn đàn Á-Âu về hợp tác kinh tế và phát triển” của Việt Nam đề xuất tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEM lần thứ 9 diễn ra vào cuối tháng 5/2009 và nhận được sự đồng thuận cao.

Hội thảo này tập trung trao đổi và thảo luận 3 vấn đề lớn, bao gồm kinh nghiệm đối phó với khủng hoảng tài chính toàn cầu của các nước thành viên ASEM; những vấn đề về vai trò địa-kinh tế của khu vực Á-Âu và các mô hình phát triển cũng như quá trình tái cấu trúc hệ thống tài chính quốc tế sau khủng hoảng; các đề xuất về hợp tác trong lĩnh vực thương mại, đầu tư, kinh tế trong ASEM, nhằm hướng đến sự phát triển bền vững và thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ.

Kết quả thu được từ hội thảo này sẽ được trình lên Hội nghị cấp cao ASEM diễn ra tại Brussels vào tháng 10 năm nay.

Các đại biểu có chung nhận định, cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới từ cuối năm 2008 đã tác động xấu đến sản xuất, kinh doanh toàn cầu, đến nay đã có nhiều dấu hiệu cho thấy sự phục hồi, nhờ sự nỗ lực của chính phủ nhiều nước, các cộng đồng kinh tế ở các khu vực cũng như thế giới.

Tại phiên đầu tiên, hội thảo đã trình bày các tham luận về kinh nghiệm, chính sách đối phó và tác động của các chính sách này đối với nền kinh tế ở một số nước như Philippines, Thái Lan, Việt Nam; chính sách phản ứng của Liên minh châu Âu (EU) đối với cuộc khủng hoảng.

Đối với kinh nghiệm của Việt Nam, Phó giáo sư, tiến sĩ Lê Xuân Bá - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, Việt Nam chịu nhiều tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng, nhất là qua kênh thương mại, đầu tư. Nhờ kịp thời đối phó, chuyển hướng chính sách, tập trung kích thích kinh tế, Việt Nam đã đạt mức tăng trưởng 5,3%.

Năm 2010, Việt Nam đặt sự ưu tiên cho ổn định kinh tế vĩ mô, đồng thời tận dụng sự phục hồi kinh tế thế giới và khu vực để có thể duy trì đà tăng trưởng. Hiện Việt Nam cũng đang hoàn thiện Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2011-2020.

Hội thảo kéo dài đến hết ngày 27/ 4./.

Tiên Minh (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục