Hội thảo về người đứng đầu chính quyền Thăng Long

Hội thảo có sự tham dự của các nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành nghiên cứu văn hóa, lịch sử, quân sự, lý luận phê bình.
“Người đứng đầu chính quyền Thăng Long-Hà Nội 1010-1945” là chủ đề hội thảo do Nhà xuất bản Hà Nội tổ chức chiều 1/8, với sự tham dự của các nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành nghiên cứu văn hóa, lịch sử, quân sự, lý luận phê bình.

Đây cũng là đề tài thuộc cơ cấu Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến - công trình văn hóa trọng điểm kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội.

Dưới sự chủ trì của Giáo sư Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, hội thảo tập trung phân tích những điểm đạt và chưa đạt của đề cương bản thảo cuốn sách “Người đứng đầu chính quyền Thăng Long-Hà Nội” do Phó giáo sư-Tiến sĩ Bùi Xuân Đính làm chủ biên.

Trong đó, nhiều ý kiến đã đóng góp xác đáng về tên gọi cuốn sách, hình thức trình bày, làm rõ một số khái niệm và gợi mở những hướng tiếp cận mang tính khả thi khi đánh giá về vai trò và mối quan hệ của người đứng đầu chính quyền Thăng Long-Hà Nội với chính quyền của họ và với tổ chức hành chính của Nhà nước Trung ương hay đại diện của Nhà nước Trung ương đặt tại đây.

Giáo sư Đinh Xuân Lâm nhận xét đây là đề tài hay, rất phù hợp với Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến, nhưng cũng rất khó vì tư liệu ít.

Phó giáo sư-Tiến sĩ Bùi Xuân Đính cho biết, khi tiến hành biên soạn cuốn sách này, các tác giả gặp không ít khó khăn vì họ là người đầu tiên nghiên cứu sự phát triển của Thăng Long-Hà Nội từ góc độ tiếp cận những người đứng đầu chính quyền đô thị này qua 10 thế kỷ.

Hơn nữa, mảng tư liệu này ở nhiều giai đoạn lịch sử hầu như trống vắng, không đầy đủ, thiếu tính hệ thống.

So với các công trình nghiên cứu về Thăng Long-Hà Nội trước đây, cuốn sách đã chọn hướng tiếp cận mới. Từ người đứng đầu cơ quan hành chính, các tác giả đã tìm hiểu lịch sử Thăng Long-Hà Nội từ đầu thời Lý (thế kỷ XI) đến Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công.

Qua đó, các tác giả cũng thấy được cung cách cách quản lý của đô thị, sự phát triển và ảnh hưởng của Thăng Long-Hà Nội với các mặt đời sống của đất nước qua các thời kỳ lịch sử và rút ra những bài học kinh nghiệm cho việc quản lý thủ đô Hà Nội hiện nay./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục