Hội thảo về quản lý và sử dụng chữ ký số trên văn bản điện tử

Hội thảo “Quản lý và sử dụng chữ ký số trên văn bản điện tử,” công bố hoạt động của Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia, tổ chức ngày 30/12, ở Hà Nội.
Hội thảo về quản lý và sử dụng chữ ký số trên văn bản điện tử ảnh 1 Ông Nguyễn Minh Hồng, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông phát biểu. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)

Ngày 30/12, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức hội thảo về “Quản lý và sử dụng chữ ký số trên văn bản điện tử,” đồng thời công bố hoạt động của Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia.

Hội thảo tập trung thảo luận các vấn đề được quan tâm trong thời gian vừa qua liên quan đến ứng dụng chữ ký số như quy định phương thức chuyển đổi chữ ký tay và con dấu sang chữ ký số cách sử dụng chữ ký số trong các trường hợp chỉ có chữ ký tay, có nhiều chữ ký tay và con dấu của các bên có trách nhiệm tương đương, ký thay, ký thừa lệnh, dấu giáp lai, dấu treo, dấu mật kiểm tra tính hợp lệ của chữ ký số trên văn bản điện tử quản lý và lưu trữ văn bản điện tử có chữ ký số.

Tại hội thảo, các cơ quan quản lý Nhà nước, các chuyên gia công nghệ thông tin đã trao đổi, lấy ý kiến đóng góp về mô hình sử dụng chữ ký số trên các văn bản điện tử để thay thế chữ ký tay và con dấu trên các văn bản giấy, tháo gỡ các vướng mắc, bất cập trong việc triển khai chữ ký số thời gian qua.

Theo Phó Cục trưởng Cục Chứng thực số và Bảo mật thông tin thuộc Ban cơ yếu Chính phủ Nguyễn Hữu Hùng, việc chứng thực chữ ký số trong văn bản điện tử đã mang lại hiệu quả cao về công tác chỉ đạo, điều hành qua mạng và hiệu quả kinh tế. Lưu lượng văn bản điện tử có chữ ký số đạt cao.

Có địa phương theo thống kê với 33 chứng thư số cho tổ chức, sau 8 tháng triển khai đã có hơn 51.000 văn bản điện tử có chữ ký số được trao đổi qua mạng.

Bước đầu, một số cơ quan đã công bố các văn bản điện tử có ký số lên cổng thông tin điện tử để cung cấp rộng rãi cho nội bộ, doanh nghiệp, người dân.

Ở Việt Nam hiện nay chưa có quy định cụ thể nào quy định thống nhất về văn bản điện tử có chữ ký số từ thể thức, định dạng, quy trình tạo lập, gửi nhận, lưu trữ nên các cơ quan nhà nước còn lúng túng khi áp dụng chữ ký số và không thống nhất về cách thức áp dụng chữ ký số trong quy trình xử lý văn bản điện tử.

Ngoài ra, do hạ tầng kỹ thuật còn hạn chế nên phương tiện gửi nhận văn bản điện tử còn chưa đồng bộ…

Ông Đào Đình Khả, Giám đốc Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia cho biết, Trung tâm chứng thực điện tử quốc gia được thành lập trên cơ sở tổ chức lại Trung tâm Chứng thực chữ ký số quốc gia, có chức năng khai thác hạ tầng an toàn thông tin phục vụ hoạt động giao dịch điện tử, bao gồm dịch vụ chứng thực chữ ký số và xác thực điện tử.

Từ năm 2009, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp giấy phép đầu tiên ở Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực chứng thực chữ ký số (VNPT-CA). Sau 5 năm cung cấp dịch vụ cho khách hàng trên phạm vi toàn quốc, tổng số khách hàng sử dụng dịch vụ này là khoảng 120.000 khách hàng.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục