Hội thảo về vấn đề xây dựng công trình nhân tạo trên Biển Đông

Nhiều học giả, chuyên gia quốc tế và trong nước sẽ dự hội thảo "Xây dựng công trình nhân tạo trên Biển Đông và tác động đối với hòa bình, an ninh, kinh tế, thương mại của khu vực."
Hội thảo về vấn đề xây dựng công trình nhân tạo trên Biển Đông ảnh 1Giáo sư, tiến sỹ Mai Hồng Quỳ giới thiệu về hội thảo. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Hội thảo quốc tế "Xây dựng công trình nhân tạo trên Biển Đông và tác động đối với hòa bình, an ninh, kinh tế, thương mại của khu vực" do Hội Luật gia Việt Nam và Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức sẽ diễn ra ngày 25/7 tại Thành phố Hồ Chí Minh với sự tham gia của nhiều học giả, chuyên gia quốc tế và trong nước.

Đây là thông tin được giáo sư, ​tiến sỹ Mai Hồng Quỳ, Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh cho biết tại buổi họp báo tổ chức chiều 24/7.

Giáo sư, tiến sỹ Mai Hồng Quỳ cho biết hội thảo là diễn đàn khoa học để các chuyên gia trong và ngoài nước phân tích, bình luận một cách toàn diện về ảnh hưởng của việc xây dưng, tôn tạo bất hợp pháp trên Biển Đông đối với hòa bình, an ninh, kinh tế, thương mại, hàng hải, hàng không của khu vực và thế giới.

Tại hội thảo, hơn 20 chuyên gia, học giả về luật quốc tế, luật biển quốc tế có uy tín khoa học lớn đến từ các nước Liên bang Nga, Ấn Độ, Nhật Bản, Indonesia, Philippines, Việt Nam... tham dự và trình bày tham luận.

Đặc biệt, hội thảo có sự tham gia của giáo sư, tiến sỹ Erik Franckx, Trọng tài viên của Tòa trọng tài thường trực quốc tế La Hay (Hà Lan), Trưởng Khoa luật quốc tế và luật châu Âu, Đại học Vrije Universiteit Brussels, Vương quốc Bỉ.

Theo giáo sư, tiến sỹ Mai Hồng Quỳ, các tham luận được gửi đến hội thảo tập trung vào hai chủ đề chính gồm khía cạnh pháp lý liên quan đến đảo và công trình, thiết bị nhân tạo theo quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982; tác động của việc xây dựng đảo, công trình, thiết bị nhân tạo đối với hòa bình, an ninh, kinh tế và thương mại khu vực.

Theo Ban Tổ chức hội thảo, về phương diện luật pháp quốc tế, hành vi bồi đắp, xây dựng các đảo nhân tạo trên Biển Đông của Trung Quốc là hoàn toàn sai trái với quy định về xây dựng đảo và công trình, thiết bị nhân tạo của UNCLOS năm 1982; trái với các cam kết chính trị giữa Việt Nam và ASEAN với Trung Quốc, đặc biệt là Tuyên bố về cách ứng xử của các bên trên Biển Đông - DOC; xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa; đe dọa hòa bình, an ninh, kinh tế, thương mại, tự do hàng hải, tự do hàng không, nghiêm cứu khoa học và môi trường biển của các quốc gia trong khu vực và thế giới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục