Hội thảo xúc tiến xuất khẩu thủy sản vào Nhật Bản

"Xuất khẩu thủy sản vào thị trường Nhật Bản- Các quy định và phương pháp tiếp cận thị trường" là chủ đề Hội thảo ngày 29/6 tại Đà Nẵng.
"Xuất khẩu thủy sản vào thị trường Nhật Bản- Các quy định và phương pháp tiếp cận thị trường" là chủ đề chính do các diễn giả trình bày tại Hội thảo được tổ chức ngày 29/6 tại thành phố Đà Nẵng.

Hội thảo nằm trong khuôn khổ hoạt động của Trung tâm Xúc tiến Thương mại, Đầu tư và Du lịch ASEAN - Nhật Bản (AJC) do Cục Xúc tiến thương mại - Bộ Công thương phối hợp với Trung tâm AJC tổ chức, nhằm mục đích hỗ trợ các doanh nghiệp khu vực miền Trung - Tây Nguyên đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản.

Tham dự Hội nghị có các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thủy sản, Hiệp hội, ngành hàng và các đơn vị quan tâm đến thị trường Nhật Bản trong khu vực miền Trung- Tây Nguyên.

Hội thảo đã nghe ông Hiroaki Harushima - Chuyên gia Kiểm định hàng thực phẩm đông lạnh của Nhật Bản và ông Go Matsuua- Phó trưởng phòng Thương mại- Đầu tư Trung tâm AJC giới thiệu về tình hình nhập khẩu, thủ tục và quy chế nhập khẩu hàng thủy sản tại Nhật Bản; Luật an toàn vệ sinh thực phẩm, đặc biệt đối với hàng thủy sản nhập khẩu và Nhật Bản; các quy định và thủ tục nhập khẩu hàng thủy sản vào thị trường Nhật Bản.

Bên cạnh đó, Hội thảo cũng đã trao đổi về các quy định về truy xuất nguồn gốc, chiếu xạ, nhiễm xạ; tiếp cận thị trường; xu hướng tiêu dùng và thị hiếu của người Nhật Bản; cách tìm kiếm khách hàng tại Nhật Bản; các lưu ý trong phong cách, văn hóa đặc trưng của khách hàng Nhật Bản khi đàm phán, thương thảo hợp đồng với khách hành Nhật Bản...

Trung tâm Xúc tiến Thương mại, Đầu tư và Du lịch ASEAN- Nhật Bản (AJC) được thành lập từ năm 1981 theo sáng kiến của Thủ tướng Nhật Bản Takeo Fukuda với mục đích chính là xúc tiến xuất khẩu từ các nước ASEAN sang Nhật Bản, khuyến khích đầu tư từ Nhật Bản vào các nước ASEAN bao gồm cả chuyển giao công nghệ, đồng thời tăng cường du lịch giữa Nhật Bản và các nước thành viên ASEAN.

AJC đặt trụ sở tại Tokyo, Nhật Bản với tư cách pháp nhân là một tổ chức quốc tế. Các nước ASEAN tự nguyện tham gia, nghĩa vụ đóng góp tài chính và quyền hưởng lợi bình đẳng.

Tổ chức này khi thành lập có 6 thành viên Indonesia, Malaysia, Phillippines, Singapore, Thái Lan và Nhật Bản, sau đó năm 1990 kết nạp thêm thành viên mới là Brunei.

Ngày 12/2/1998, Việt Nam được kết nạp và chính thức là thành viên thứ tám sau gần 1 năm (1997) tham gia với tư cách là quan sát viên.

Cho đến nay đã có thêm Myanmar, Lào và Campuchia được kết nạp, nâng tổng số thành viên của trung tâm này lên thành 11 (gồm 10 nước ASEAN và Nhật Bản)./.

Văn Sơn (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục