Hội tụ các tinh hoa

Hội tụ các tinh hoa ở Festival nghề truyền thống Huế

Hội tụ tinh hoa nghề Việt là nét đáng ghi nhận tại Festival Nghề truyền thống Huế 2013, diễn ra từ 27/4-1/5, thu hút 200 nghệ nhân.
Trở thành nơi hội tụ tinh hoa nghề Việt là nét đáng ghi nhận tại Festival Nghề truyền thống Huế 2013, diễn ra trong thời gian từ 27/4-1/5, thu hút 200 nghệ nhân của 21 làng nghề truyền thống trong cả nước tham dự.

Ông Nguyễn Đăng Thạnh, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Huế, Phó trưởng Ban Tổ chức Festival Nghề truyền thống Huế 2013 cho biết: Quy mô tổ chức, số lượng nghề, làng nghề và nghệ nhân tham gia tại Festival nghề truyền thống Huế lần này nhiều hơn, vừa phong phú, lại có những nét mới hơn so với các Festival nghề truyền thống trước đây. Các nghệ nhân thủ công tài hoa và thợ thủ công các làng nghề đã mang đến cho Festival nghề truyền thống Huế lần này những sắc thái đặc biệt, sự đoàn kết gắn bó cùng gìn giữ và phát huy giá trị tinh hoa của các làng nghề Việt.

Các làng nghề tiêu biểu là gốm sứ Bát Tràng, Bình Dương và Phước Tích; đất nung Quảng Nam, Bàu Trúc; sơn mài tương Bình Hiệp, thổ cẩm lanh Lùng Tiên (Hà Giang); mây tre Chuyên Mỹ, lụa Vạn Phúc, thêu cung đình Quất Động (Hà Tây); chạm khắc bạc Định Công (Hà Nội); thổ cẩm Chăm, Mỹ Nghiệp (Ninh Thuận). Thành phố Huế có các làng đan lát Bao La, thêu Đức Thành và Thuận Lộc, nón lá Phú Cam, diều Huế, nghề làm mõ, làm hương trầm... tham gia festival.

Không gian làng nghề sôi động hơn với các hoạt động thao diễn về các công đoạn và kỹ thuật làm nghề của các nghệ nhân, thợ thủ công. Tại công viên Tứ Tượng, khách du lịch lúc nào cũng đông đúc quanh gian trưng bày nghề nuôi tằm, kéo kén, ươm tơ, dệt lụa của làng lụa Hội An, Quảng Nam; hoặc xem thao diễn nghề dệt zèng ở A Lưới; trình diễn các công đoạn dệt lanh Lùng Tám đến từ Hà Giang; nghệ thuật làm gốm của làng nghề Bàu Trúc, tỉnh Ninh Thuận. Tất cả tạo nên sự hấp dẫn, thú vị cho không gian tôn vinh nghệ nhân và làng nghề, bởi những câu chuyện làm nghề và giữ nghề truyền thống.

Đối với nghề dệt zèng của người Tà Ôi ở A Lưới, mọi người rất thú vị trước cách dệt rất đơn giản của các nghệ nhân. Số lượng sản phẩm cho dù còn khiêm tốn, chỉ với áo, túi xách, khăn quàng, khố và đai nịt, song trên mình nó là hoa văn hình học với những hạt cườm rất bắt mắt. Ðó có thể là khuôn mặt kabuanl (một loại chim trong rừng), chi-poa-si-troi (tương tự đôi bàn chân gà), quangtating (một loại quả rừng làm thuốc) hay núi rừng, con dốc quanh co...

Mấy lần mang nghề dệt zèng đến với Festival cũng chỉ ước mong là làm sao sản phẩm dệt zèng sớm có chỗ đứng trên thị trường và được công chúng đón nhận. Bởi lâu nay, sản phẩm này làm ra chủ yếu là tự cung tự cấp, trong khi ở A Lưới đang hình thành những tổ hợp dệt zèng. Nghệ nhân Mai Thị Hợp cho biết như vậy.

Tại gian trưng bày nghề thổ cẩm lanh truyền thống của người Mông đem đến từ xã Lùng Tám (huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang), khách tham quan hết sức thích thú được xem các nghệ nhân ngồi xe sợi, quay lanh và cắm cúi dệt trên khung cửi cổ truyền... Ðiều được nhiều người chú ý chính là công đoạn vẽ sáp lên nền vải trước khi cho vào nhuộm. Ðây được xem là tuyệt kỹ của thổ cẩm Tây Bắc. Những chỗ vải có sáp dính vào sẽ không thấm màu qua khâu nhuộm, do đó đã tạo ra các sắc thái hoa văn rất đặc biệt.

Nghệ nhân Vàng Thị Mai cho biết, để hoàn tất một tấm thổ cẩm, các nghệ nhân và người thợi phải trải qua trên 40 công đoạn. Tất cả đều làm bằng sợi lanh và màu sắc được lấy từ các cây trái trong rừng. Nghề lanh thổ cẩm dân tộc Mông có từ rất lâu, với đặc tính ưu việt của sợi lanh mùa đông thì ấm, mùa hè lại mát nên đây là sản phẩm truyền thống rất được ưa chuộng của người Mông.

Một cuộc gặp gỡ thú vị giữa hai nghệ nhân nghề thêu là ông Lê Văn Kinh (thành phố Huế) và ông Vũ Giỏi đến từ làng thuê Đông Cứu - xã Dùng Tiến, Thường Tín, Hà Nội. Nếu nghệ nhân Lê Văn Kinh nổi tiếng với nghề thêu tranh dân gian của vùng đất sông Hương núi Ngự, thì nghệ nhân Vũ Giỏi tuyệt mỹ với việc phục chế áo mão, trang phục các triều đại phong kiến Việt Nam, trang phục nghi lễ dân gian, hàng thời trang thêu tay và các sản phẩm thêu cổ truyền.

Festival Nghề truyền thống Huế 2013 còn hết sức ấn tượng với câu chuyện dệt may hết sức ấn tượng độc đáo với chủ đề "Hóa thân" đến từ Bảo tàng Bargoin, thành phố Clermont-Ferrand (Pháp). Triển lãm giới thiệu 80 mẫu dệt may kỳ lạ, độc đáo từ xa xưa đến hiện đại, thể hiện tiến trình phát triển của ngành dệt may thế giới. Những mẫu dệt may này phản ánh sự phong phú của các nguồn nguyên liệu thiên nhiên mà con người đã từng sử dụng từ xưa như lá, vỏ cây, hạt tre, sợi mây, sợi dứa, lông đuôi ngựa, thân lá chuối sợi, nỉ, kim loại..., cho đến ngày nay.

Qua thời gian, các chất liệu cùng những kỹ năng dệt may vẫn được nuôi dưỡng, phát triển nhờ sự lưu truyền giữa các thế hệ và sự giao lưu, trao đổi giữa các dân tộc. Đáng chú ý có các sản phẩm dệt và thêu bằng sợi dứa trên trống từ loại sợi trong mờ chiết xuất từ lá cây trong xưởng của Patis Tesoro, nhà thiết kế thời trang Philippines; phụ nữ làng Rari ở Chile bện lông đuôi ngựa để tạo ra những dạng hình học mang tính tượng trưng; hoặc sản phẩm dạ nỉ của nghệ sĩ Francoise Hoffmann (Pháp).

Sự đa dạng văn hóa thể hiện rõ nét trên từng mẫu vải trưng bày tại triển lãm; từ chất liệu, kỹ thuật dệt, nhuộm, đến hoa văn và công nghệ sản xuất đều phản ánh những nét văn hóa truyền thống đặc trưng của mỗi quốc gia, châu lục, cũng như nét tài hoa của những nhà tạo mẫu tài danh khắp thế giới. Bộ sưu tập này còn phản ánh sự phong phú của các nguồn nguyên liệu thiên nhiên, đồng thời cho người xem thấy các kỹ năng dệt may được lưu truyền và phát triển nhờ vào bàn tay của những nhà tạo mẫu tài danh trên thế giới, như: Kinor Jiang, Shu Sun, Rui Xu, Minh Hạnh…

Có những nghề rất đặc trưng gắn liền với việc trùng tu hệ thống di tích Huế như sơn son, thếp vàng, mộc mỹ nghệ, sản xuất tấm lợp (thanh lưu ly và hoàng lưu ly)... Nổi bật tại Festival Nghề truyền thống Huế 2013 là việc chế tác và thi công, lắp đặt hai chiếc đèn pháp lam khổng lồ, như một điểm nhấn trưng bày và tỏa sáng tại công viên Tứ Tượng. Để hoàn thành công trình này hơn 100 họa sĩ, nghệ nhân và thợ pháp lam đã làm việc trong hơn 1 năm trời. Công trình đã được xã hội hóa với tổng chi phí lên đến 2,5 tỉ đồng do các doanh nghiệp trực tiếp bỏ ra; trong đó riêng Ngân hàng VPBank tài trợ 500 triệu đồng. Khó nhất của công trình là phần lồng đèn, mỗi chiếc được lắp ghép bằng 2.000 mảnh kính màu pháp lam thực hiện bằng kỹ thuật slum nhiều lớp màu trên mặt kính và nung ở nhiệt độ 800 độ C. Các mảnh kính sau khi đã phủ màu pháp lam được lắp ghép với nhau bằng kỹ thuật Stained glass; công trình được chiếu sáng bằng 120 bóng đèn chóa, công suất 23 W.

Theo tiến sỹ Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế, pháp lam Huế được du nhập từ Trung Quốc, đều ở dưới dạng sản phẩm, không có công nghệ sản xuất hoàn chỉnh.

Sau hơn 200 năm thất truyền (từ thời Minh Mạng), mới đây, một số nhóm nghiên cứu và sản xuất đồ pháp lam đã phục chế được các sản phẩm pháp lam để trùng tu các di tích cửa phường môn (cầu Trung Đạo, sau cửa Ngọ Môn), cửa Nhật Tinh và Nguyệt Anh (sau điện Thái Hòa), tháp Phước Duyên (chùa Thiên Mụ) và điện Biểu Đức (lăng Thiệu Trị). Điển hình là việc trùng tu tháp Phước Duyên (chùa Thiên Mụ) - ngôi tháp có chiều cao 22,83m gồm bảy tầng tháp; trên tháp có 21 con giao ngũ sắc bằng pháp lam gắn vào đầu bờ quyết của tháp./.

Quốc Việt (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục