Hội tư vấn thuế Việt Nam kiến nghị về cơ chế APA

Hội tư vấn thuế Việt Nam đề nghị nên xem xét thêm một số hình thức khác của cơ chế APA giúp cho việc chống chuyển giá hiệu quả hơn.
Đánh giá cao việc đưa ra cơ chế thoả thuận trước về phương pháp xác định giá tính thuế (APA) nhưng Hội Tư vấn thuế Việt Nam cho rằng, những nhà hoạch định chính sách nên xem xét thêm hình thức APA  mới để phù hợp hơn với tình hình ở Việt Nam.

Ý kiến này được bà Vũ Thị Thu Hương, đại diện Hội tư vấn thuế Việt Nam nhắc tới trong Hội nghị thường niên của Hiệp hội tư vấn thuế châu Á-châu Đại dương vừa tổ chức chiều 17/10 tại Hà Nội.

Lý giải cho ý kiến của mình, đại diện của Hội tư vấn thuế Việt Nam cho rằng, APA với đặc trưng là thỏa thuận trước giữa cơ quan thuế và người nộp thuế về cơ sở tính thuế, phương pháp xác định giá trong giao dịch liên kết được kỳ vọng sẽ giúp giảm thiểu rủi ro liên quan tới xác định giá thị trường. Cơ chế này được áp dụng trên nguyên tắc tự nguyện từ phía người nộp thuế.

[Vẫn lo lắng về phương pháp chống chuyển giá APA]

Tuy nhiên, theo bà Hương, không thể áp dụng APA với tất cả các doanh nghiệp do việc thực hiện cơ chế mới tốn rất nhiều thời gian và nguồn lực. Điều này lại càng dễ nhận thấy ở Việt Nam khi nguồn nhân lực ngành thuế có hạn và có một lượng lớn doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Bởi vậy, đại diện hội tư vấn thuế Việt Nam cho rằng những hướng dẫn chi tiết cho cơ chế chống chuyển giá mới cần có thêm quy định về APA "giản lược" để phù hợp với những đối tượng này.

Bà Hương cho rằng hình thức APA giản lược trên sẽ nhắm vào các đối tượng nộp thuế có giao dịch liên kết với giá trị hoặc rủi ro thấp nhưng mong muốn được bảo đảm về thuế trong xác định giá thị trường khi tham gia APA. Nhưng đối tượng này sẽ được giảm bớt thông tin bắt buộc phải cung cấp để giúp tiêu tốn ít chi phí với cả người nộp thuế cũng như cơ quan thuế.

Với những giao dịch lớn, có khả năng chuyển nhiều lợi nhuận ra nước ngoài, đại diện Hội tư vấn thuế Việt Nam đề nghị sẽ áp dụng cơ chế APA tiêu chuẩn hoặc phức tạp để quản lý chặt chẽ hơn.

Điều này theo bà Vũ Thi Thu Hương không những sẽ hút được doanh nghiệp tham gia mà còn để cơ quan thuế phân bố hiệu quả nguồn lực trong suốt quá trình thực hiện APA.

Đây cũng là điều được ông Bùi Ngọc Tuấn, Phó Tổng giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Deloitte Việt Nam nhắc tới khi nhận định các doanh nghiệp sẽ muốn được áp dụng APA bởi các đơn vị có thể kiểm soát được lỗ, lãi của mình.

Tuy vậy ông Tuấn cũng không ngần ngại chỉ ra một thực tế việc hướng dẫn để thực hiện APA chưa được chi tiết. Trong đó nhiều yếu tố theo ông Tuấn cần được để ý tới như biến động giá cả thị trường, tỷ lệ lạm phát,... để hai bên gồm cơ quan thuế và người nộp thuế cùng thống nhất.

Đưa ra thêm kiến nghị, Hội tư vấn thuế Việt Nam cho rằng Bộ Tài chính nên xem xét có một bộ phận chuyên trách về APA để làm đầu mối tiếp nhận hồ sơ của doanh nghiệp cũng như chủ trì đàm phán.

"Sự sẵn sàng về nguồn lực là yếu tố không thể thiếu để đưa APA vào thực tế, " bà Vũ Thị Thu Hương, đại diện Hội tư vấn thuế Việt Nam nói.

Lắng nghe những ý kiến của Việt Nam, ông Marcellus Wong, đại diện Viện thuế Hong Kong (Trung Quốc) thừa nhận, đây là quy trình rất tốn kém và mỗi thỏa thuận APA ở Hong Kong nhanh cũng mất tới 6, 7 tháng để giải quyết.

Ông Marcellus Wong cũng lưu ý những nước mới triển khai APA như Việt Nam cần lưu ý những yếu tố giúp nghiệp vụ thực hiện APA có độ chắc chắn cao như những thông tin của doanh nghiệp về mua bán sáp nhập, quy định về doanh nghiệp có cư trú hay không cư trú,...

Đây cũng là vấn đề được nhiều đại diện của các Hội tư vấn thuế ở nhiều nước khác như Malaysia, Indonesia,... đồng tình trong những chia sẻ của mình. Tuy nhiên, phần lớn đại diện các nước đều thừa nhận, rất khó để có những điều luật toàn diện cho chống chuyển giá. Đây là vấn đề không chỉ của các nước trong khu vực châu Á mà còn gây đau đầu cho nhiều nước châu Âu và châu Mỹ. Các đại biểu cũng hy vọng sẽ tiếp tục được chia sẻ kinh nghiệm để việc quản lý vấn đề này được chặt chẽ hơn trong thời gian tới./.

Xuân Dũng (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục