Hồi ức của một vị tướng về vùng đất Khe Sanh huyền thoại

Trở về Khe Sanh hôm nay, chứng kiến sự đổi thay của vùng đất thép hào hùng, trong lòng Trung tướng Phạm Xuân Thệ lại dậy sóng về ký ức hào hùng của dân tộc.
Hồi ức của một vị tướng về vùng đất Khe Sanh huyền thoại ảnh 1Trung tướng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Phạm Xuân Thệ. (Ảnh: Thanh Thủy/TTXVN)

Là một người từng tham gia chiến đấu trong những trận đánh ác liệt tại Quảng Trị, sâu trong lòng Trung tướng, Anh hùng lực lượng vũ trang Phạm Xuân Thệ, những hồi ức về Khe Sanh, Quảng Trị và những người đồng đội đã ngã xuống nơi đây mãi không thể nào quên.

Trở về Khe Sanh hôm nay, chứng kiến sự đổi thay của vùng đất thép hào hùng ngày ấy trong lòng ông lại dậy sóng về ký ức hào hùng của dân tộc.

Là một trong những chiến sỹ đầu tiên vào phòng họp của Dinh Độc Lập để bắt gọn toàn bộ nội các Chính quyền Sài Gòn, ông Thệ là người bắt sống và trực tiếp áp giải Tổng thống Chính quyền Sài Gòn Dương Văn Minh đến Đài phát thanh đọc tuyên bố đầu hàng vô điều kiện kết thúc chiến tranh vào ngày 30/4/1975.

Trung tướng Phạm Xuân Thệ (1947) quê ở Kim Bảng, Hà Nam nhập ngũ khi vừa tròn 20 tuổi.

Vào tháng 4/1968, ông được cử vào chiến đấu tại chiến trường Quảng Trị với nhiệt huyết sẵn sàng hy sinh tất cả cho độc lập tự do của đất nước.

Tham gia trận đánh đầu tiên tại cao điểm 425, Bắc Đường 9 phía tây Khe Sanh vào những ngày tháng 5/1968, chàng lính trẻ ngày ấy đã cảm nhận chiến tranh với đầy đủ tính chất khốc liệt của nó.

Rất nhiều đồng đội trong đơn vị của ông đã ngã xuống khi mang trong mình khát vọng hòa bình tự do.

Chính từ đây, ông Thệ đã tự hứa với lòng mình phải cố gắng sống và chiến đấu hết mình thay phần của đồng đội đã hy sinh.

Để rồi năm 1970, khi ông giữ chức vụ Đại đội trưởng, ông đã tạo dấu ấn đầu tiên trong cuộc đời binh nghiệp của mình khi chỉ huy đại đội đánh tan một tiểu đoàn và sở chỉ huy của E56 quân ngụy Sài Gòn vừa nhảy dù xuống động Cô Tiên, qua đó xác lập kỷ lục lần đầu tiên một tiểu đoàn của ta có thể tiêu diệt gọn một tiểu đoàn trang bị hiện đại của địch.

Bắt đầu từ đây, suốt năm năm trời tham gia chiến đấu tại khắp chiến trường Quảng Trị với những trận đánh lớn trong chiến dịch Nam Lào (1971), giải phóng Đông Hà (1972)… Quảng Trị đã gắn liền với bước chân trưởng thành không ngừng của một vị tướng lĩnh tài ba khi tên tuổi của ông đã gắn liền với lịch sử dân tộc.

Trở về Khe Sanh hôm nay trong những ngày tháng Tư lịch sử khi cả nước đang tưng bừng kỷ niệm 39 năm ngày thống nhất đất nước, nhìn những căn nhà khang trang, đường phố rực rỡ cờ hoa, khẩu hiệu, ít ai nghĩ nơi này cách đây 46 năm về trước đã từng diễn ra những trận đánh ác liệt giữa quân dân ta và quân đội Mỹ ngụy Sài Gòn.

Những địa danh như làng Vây; làng Bù; sân bay Tà Cơn với các cao điểm 519, 622, 425, 471, Cu Bốc… đã in dấu trong kí ức của vị tướng già cũng như những cựu chiến binh khi về thăm lại chiến trường xưa.

Dù đã ở cái tuổi “nhân sinh thất thập cổ lai hy,” sức khoẻ không còn được dẻo dai như trước, đôi chân run run, nhưng tướng Thệ vẫn cố gắng đi trên chặng đường tìm về ký ức cùng đồng đội.

Xúc động, bùi ngùi, ông kể: "Là một vị tướng tham gia nhiều trận đánh, nhưng trong lòng tôi những ngày sống và chiến đấu tại chiến trường đỏ lửa Quảng Trị mãi in đậm sâu sắc không thể nào quên. Ngày ấy, khi bước chân vào chiến trường, tôi cũng như bao người lính trẻ khác mang theo khí thế thời đại với ngọn lửa hừng hực cháy trong tim, quyết tâm chiến đấu cho dù trút hơi thở cuối cùng để dành độc lập tự do cho Tổ quốc.

Sống đến ngày hôm nay, tôi may mắn hơn nhiều đồng đội. Rất nhiều người đã ngã xuống và phần lớn trong số ấy đều đang độ tuổi 20. Các anh sinh ra đều được đặt tên, đều ra đi từ một làng quê yên bình với khát vọng cống hiến tuổi thanh xuân cho đất nước nồng cháy. Máu của các anh, các chị đã thấm vào từng nhành cây, ngọn cỏ, tấc đất để từ đó ươm mầm cho sự sống và hòa bình, độc lập ngày hôm nay.

Các anh nằm đó, những hàng bia mộ thẳng tắp như hình ảnh của những đoàn quân ngày nào xung trận. Không một tấm hình, không một dòng địa chỉ các anh, các chị ngã xuống âm thầm cống hiến cho quê hương. Mỗi khi về lại Quảng Trị mảnh đất có hàng ngàn ngôi mộ liệt sỹ chưa có tên tuổi. Tôi lại thấy lòng mình đau như cắt…"

Hồi ức của một vị tướng về vùng đất Khe Sanh huyền thoại ảnh 2Trung tướng Phạm Xuân Thệ chụp ảnh kỷ niệm với các đồng đội chiến trường Khe Sanh năm xưa. (Ảnh: Thanh Thủy/Vietnam+)

Hiện nay, mặc dù đã về nghỉ hưu nhưng tướng Thệ vẫn làm Trưởng ban liên lạc Cựu chiến binh sư đoàn 304; Phó ban liên lạc Quân khu Trị Thiên.

Với mong muốn đưa đồng đội đang nằm rải rác trên những cánh rừng xa xôi về với đất mẹ quê hương, hằng năm, ông Thệ trở về các chiến trường Quảng Trị từ 4-5 lần, hầu hết để liên hệ với các cựu chiến binh từng tham gia chiến đấu tại đây để tìm đồng đội.

Tại Nghĩa trang liệt sỹ huyện Hướng Hóa, có hơn 2.500 anh hùng liệt sỹ của 32 tỉnh, thành phố trên khắp mọi miền đất nước yên nghỉ. Tuy nhiên, vẫn còn đó rất nhiều anh hùng liệt sỹ vẫn còn đang nằm lại trên khắp núi rừng Khe Sanh hùng vĩ.

Và chúng tôi hiểu rằng, đến ngày nào sức khoẻ còn cho phép thì tướng Thệ sẽ còn miệt mài trên những hành trình dài đi tìm đồng đội để đưa các anh, các chị trở về với đất mẹ quê hương.

Bà Đinh Thị Thanh Hiền (67 tuổi), một cựu quân nhân quê ở Hà Nội xúc động chia sẻ: "46 năm rồi, hôm nay, trở về Khe Sanh, tôi mới được gặp lại anh Thệ, người đã cứu sống tôi trong một trận tập kích B52 của quân Mỹ ngụy 1968 tại chiến trường Khe Sanh. Có lẽ tôi may mắn hơn rất nhiều đồng chí, đồng đội của mình khi bây giờ các anh vẫn còn nằm đâu đó trên mảnh đất Khe Sanh huyền thoại này khiến tôi không khỏi day dứt tâm can…"

Khe Sanh ngày hôm nay, đứng từ xa phóng tầm mắt về ngút ngàn nương rẫy trù phú, tướng Thệ không khỏi bùi ngùi xúc động cũng như cảm phục sức mạnh đi lên không ngừng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân nơi đây.

Khe Sanh-Hướng Hóa đi lên từ đống đổ nát của chiến tranh bắt tay khôi phục kinh tế, hàn gắn vết thương chiến tranh trong những điều kiện khó khăn, thiếu thốn.

Có địa hình chủ yếu đồi núi tập trung dân tộc Pakô, Vân Kiều sinh sống, chiến tranh để lại những cánh rừng bị bom đạn cày xới, bản làng tiêu điều, xơ xác, nương rẫy hoang vu, không có dụng cụ sản xuất, vốn đầu tư… Nhưng với sức mạnh nội lực, cùng với sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, Hướng Hóa ngày nay đang dần thay da đổi thịt.

Xác định mũi nhọn cây chủ lực là càphê, sắn và chuối… những ngọn đồi xanh mướt một màu hứa hẹn vụ mùa bội thu thay thế cho những hố bom đạn khi xưa.

Cùng với đó, cửa khẩu quốc tế Lao Bảo cùng với khu thương mại đặc biệt Lao Bảo đi vào hoạt động trên tuyến hành lang kinh tế Đông-Tây đã mở ra một tương lai phát triển trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế thời đại mới.

Hiện nay, bên cạnh những khó khăn tồn tại, hệ thống cơ sở vật chất của huyện ngày càng hoàn thiện và hiện đại hóa đã đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân.

Tướng Thệ cho biết trong chiến tranhm cho dù Mỹ ngụy rải xuống nơi này bao nhiêu bom đạn thì chúng ta vẫn sống, chiến đấu và lạc quan về ngày mai tươi sáng. Ngày hôm nay Khe Sanh-Hướng Hóa đã vươn mình đi lên hòa mình cùng công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, từ những vết thương nham nhở của chiến tranh.

"Bản thân tôi cũng như các đồng đội thấy vinh dự và tự hào vì đã sống, chiến đấu và cống hiến cho mảnh đất này," tướng Thệ nhấn mạnh.

Xã hội ngày càng phát triển đi lên, nhưng tinh thần chiến đấu bất khuất kiên cường của các anh hùng liệt sỹ mãi mãi còn đó. Người dân Quảng Trị nói riêng và đất nước Việt Nam nói chung sẽ luôn ghi nhớ công ơn của các anh những người đã tạo nên màu xanh hòa bình độc lập ngày hôm nay.

Thời gian đã làm mờ những vết thương trên da thịt, quá khứ của những ngày tháng gian khổ ác liệt nay đã nhường chỗ cho niềm vui hạnh phúc hòa bình của dân tộc nhưng những dấu ấn một thời oanh liệt sống và chiến đấu mãi còn in đậm trong ký ức của tướng Thệ cùng những người cựu chiến binh đang sống. Họ những người con đã ngã xuống cùng những chiến công hào hùng đã làm rạng danh đất mẹ Việt Nam, đời đời đi vào huyền thoại non sống đất nước./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục