Hội Vật cầu nước làng Vân - lễ hội dân gian “độc nhất vô nhị”

Lễ hội là nét tín ngưỡng thờ Thần Mặt Trời của người dân thời xưa, mang đặc trưng của văn hóa lúa nước, thể hiện niềm khao khát của cư dân nông nghiệp.
Hội Vật cầu nước làng Vân - lễ hội dân gian “độc nhất vô nhị” ảnh 1 Lễ hội Vật cầu nước làng Vân. (Nguồn: Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Bắc Giang)

Cứ 4 năm một lần, từ ngày 12-14 tháng Tư âm lịch, người dân làng Vân Hà (xưa có tên gọi là Yên Viên, tên tục gọi là làng Vân), huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang, lại nô nức mở hội Vật Cầu nước - một lễ hội mang đậm tính lịch sử, độc đáo, vui vẻ, kịch tính và "độc nhất vô nhị" của làng.

Lễ hội là nét tín ngưỡng thờ Thần Mặt Trời của người dân thời xưa, mang đặc trưng của văn hóa lúa nước, thể hiện niềm khao khát của cư dân nông nghiệp.

Để nói về sự độc đáo của hội Vật Cầu Nước làng Vân người xưa ví nếu đi xem hội mà không biết đến Lễ hội Vật Cầu nước làng Vân xã Vân Hà, huyện Việt Yên thì quả là "chưa phải người sành săn hội". Hay còn có "họa" rằng:

"Khánh hạ làng Vân hội vật cầu
Khắp vùng Kinh Bắc chẳng có đâu
Quan quân gắng sức giành cho được
Sân chơi bùn nước họa một màu"

Vật cầu là một trò chơi dân gian độc đáo thường được tổ chức trong những ngày hội xuân, hội làng, gắn liền với tín ngưỡng cầu may, cầu lộc, cầu tài của người xưa. Quả cầu ở đây tượng trưng cho mặt trời. Cướp được cầu cũng có nghĩa là cướp được mặt trời, cướp ánh nắng cho lúa khoai - niềm mong mỏi hàng đầu của cư dân nông nghiệp.

[Lễ hội vật cầu nước làng Vân là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia]

 Hội được tổ chức tại đền Chính (nơi thờ đức Thánh Tam Giang Trương Hống và Trương Hát -hai danh tướng có công giúp Triệu Việt Vương-Triệu Quang Phục dẹp giặc). Tục truyền rằng, khi xưa có vị thân mẫu sinh một lần được 5 người con (4 trai, 1 gái), đặt tên là Trương Hống, Trương Hát, Trương Lừng, Trương Lẫy, người con gái tên Mỹ Đạm. 5 người con của bà có dung mạo khác thường, khí chất hiển lộ. Khi đất nước lâm nguy, Triệu Việt Vương rút quân rời bỏ kinh thành về đầm Dạ Trạch lánh nạn, anh em họ Trương liền ra tay giúp nước. Sau khi đại thắng trở về đầm Dạ Trạch thì bị bọn quỷ đen quấy phá, hai bên xung trận với giao ước, ai thắng sẽ được thưởng, ai thua, sẽ phải quy phục. Bọn quỷ đen thua trận, quy hàng các đại tướng. Từ đó trở đi, dân làng Vân mở hội vật cầu nước (còn gọi là hội Khánh Hạ) vào ngày hóa của Đức Thánh với ý nghĩa tưởng nhớ và mừng chiến thắng của các Ngài. Các thế hệ người làng Vân đã gìn giữ và lưu truyền điển tích này từ thế kỷ thứ 6 cho tới ngày nay.

Hội Vật cầu nước làng Vân - lễ hội dân gian “độc nhất vô nhị” ảnh 2 Lễ hội Vật cầu nước làng Vân. (Nguồn: Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Bắc Giang)

Hội được chuẩn bị khá công phu. Trước khi hội mở 2 ngày, các cụ trong ban Khánh tiết ra mở cửa đền lau chùi đồ thờ, sau đó làm lễ mộc dục (tắm rửa cho Thánh), lễ Phong áo (mặc áo vóc đại hồng cho Thánh) rồi làm lễ An vị và kéo cờ hội.

Khu vực sân cầu nơi diễn ra các cuộc đấu vật cũng được dọn dẹp sạch sẽ, rộng chừng 200m2, được đổ đầy đất bùn. Bùn ở đây được kiểm tra kỹ càng, nước không được quá nhiều (sẽ bị ướt), hoặc quá ít (sẽ bị khô). Nước đổ vào sân Đền cũng phải là nước sông Cầu do hai hoặc bốn cô gái nết na, chưa chồng, mặc trang phục truyền thống của phụ nữ vùng Kinh Bắc, gánh nước từ sông Cầu đổ vào sân. Đồ gánh phải là đòn gánh cong, quang song và gánh bằng hai chum rượu gốm Thổ Hà.

Việc chọn người trong ban tế cũng được tiến hành rất cẩn thận và tuân theo những tiêu chuẩn khắt khe do làng quy định. Đó phải là người phu phụ song toàn, bản thân có uy tín với dân làng, được mọi người yêu mến kính nể. Tất cả không được vướng tang bụi. Riêng Chánh tế là lý trưởng đương thứ, nếu lý trưởng vắng thì phó lý thay. Nếu không may, phó lý năm đó cũng có tang bụi thì dân sẽ cử người cao tuổi nhất có chân trong tư văn hội và đủ các tiêu chuẩn khác do làng đặt ra làm Chánh tế. Ngày nay, Chánh tế được chọn là những người uy tín hoặc chức sắc trong thôn.

Đến ngày hội, ban Khánh tiết của làng tổ chức rước sắc từ đền Trung về đền Chính. Đám rước đến đền Chính sẽ làm lễ An vị và lễ Cáo yết để cảm ơn công đức của thánh với dân làng và mời thánh về dự hội. Sau đó, hội vật cầu chính thức diễn ra.

Hai đầu sân có hai lỗ sâu gần 1m, rộng nửa mét. Có hai đội chơi là Giáp dưới và Giáp trên, mỗi đội có 8 người chơi, gọi là “quan cầu”. Nếu giáp nào đưa được quả cầu vào lỗ của bên kia thì giáp đó thắng. Quả cầu không phải cầu bình thường, mà là quả cầu nặng khoảng 20kg làm bằng gỗ. Bưng được quả cầu đó và phải bảo vệ, di chuyển, cho vào lỗ trước sự cản phá “ác liệt” của đối phương và trên bãi bùn trơn trượt, quả là một thử thách không hề nhỏ.

Sân cầu gồm hai lỗ: Một lỗ bên Đông (nơi mặt trời mọc) và một lỗ bên Tây (nơi mặt trời lặn).Theo quan niệm dân gian, nếu năm nào giáp Trên mà thắng, thì năm đó mưa gió thuận hòa, làm ăn phát đạt. Quan niệm dân gian này phù hợp với tục thờ mặt trời của cư dân lúa nước đồng bằng Bắc Bộ vì quả cầu tượng trưng cho mặt trời.  Cướp được cầu là cướp được năng lượng mặt trời, cướp được vận may về cho dân làng, để cho lúa khoai tươi tốt, cho mùa màng bội thu, cho dân an vật thịnh... Đó cũng là sự cầu mưa, cầu nắng, cầu may, mang khát vọng chân chính của người dân trước thiên nhiên.

Hội Vật cầu nước làng Vân - lễ hội dân gian “độc nhất vô nhị” ảnh 3 Lễ hội Vật cầu nước làng Vân. (Nguồn: Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Bắc Giang)

Những người tham dự lễ hội, chỉ nghe tiếng trống hội dồn dập cũng hồi hộp đến nghẹn thở, kịch tính; thấy tinh thần dân tộc cái thiện thắng cái ác, tinh thần đồng đội như đũa một bó, như tre một bụi. Kết thúc cuộc chơi, các quân cầu lại xếp thành 4 hàng dọc trước sân cầu để tạ Thánh rồi tất cả ùa ra sông Cầu tắm rửa, kết thúc một ngày trong hội vật cầu.

Cũng như một số lễ hội dân gian truyền thống khác, lễ hội Vật cầu nước làng Vân mang đậm những nét tâm linh của cư dân trồng lúa nước định canh, mang nhiều yếu tố về phồn thực, rèn luyện sức khỏe, thỏa mãn tâm linh. Mỗi lần mở hội, lễ hội lại thu hút hàng nghìn du khách thập phương tham dự, góp phần giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của địa phương. Với ý nghĩa lịch sử, văn hóa và nét độc đáo đó mà lễ hội Vật cầu nước làng Vân đã được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia theo Quyết định số 63/QĐ-BVHTTDL ngày 12/01/2022 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục