Hơn 17.000 cán bộ y tế tập huấn kiểm soát dịch bệnh

Dự án sáng kiến cúm gia cầm và đại dịch của Cơ quan phát triển Quốc tế Hoa Kỳ hỗ trợ tập huấn cho hàng nghìn cán bộ y tế Việt Nam.
Với “Kế hoạch hành động quốc gia tăng cường kiểm soát nhiễm khuẩn tại các cơ sở y tế đến năm 2015” do Bộ Y tế triển khai từ tháng 3/2013, trong vòng 2 năm tới sẽ có hơn 17.000 cán bộ y tế hoàn thành chương trình tập huấn về phòng chống nhiễm khuẩn.

Đó là thông tin của Bộ Y tế vừa được công bố tại cuộc hội thảo tổng kết dự án Sáng kiến cúm gia cầm và đại dịch của cơ quan phát triển Quốc tế Hoa Kì (USAID/APII) diễn ra sáng nay (6/8), ở Hà Nội.

Phát biểu tại hội thảo, ông Phạm Anh Tuấn-Giám đốc kỹ thuật về y tế USAID/APII cho hay, năm 2012, Bộ Y tế chính thức áp dụng chương trình tập huấn phòng chống nhiễm khuẩn do dự án xây dựng. Đến tháng 7/2013, đã có 37 tỉnh và thành phố trong cả nước lên kế hoạch tập huấn.

Theo đó, dự án này sẽ tiến hành chương trình tập huấn cho nhân viên y tế tại các cơ sở y tế nhà nước và tư nhân ở tuyến tỉnh và tuyến huyện về phòng chống nhiễm khuẩn. Đặc biệt, có 20 trường trung cấp y và điều dưỡng đã sử dụng chương trình tập huấn này trong chương trình đào tạo.

Mặt khác, dự án USAID/APII đã hỗ trợ cán bộ thú y cơ sở thông qua việc nâng cao kiến thức, kỹ năng, trang bị các công cụ thiết yếu để giúp họ phát hiện sớm đồng thời báo cáo ngay các trường hợp nhiễm cúm gia cầm và các nguy cơ dịch bệnh nguy hiểm khác ở động vật, ông Tuấn nhấn mạnh.

[Hoa Kỳ tài trợ cho dự án ứng phó dịch cúm gia cầm]

Trong khuôn khổ dự án USAID/APII, mô hình tập huấn truyền thông thay đổi hành vi của dự án đang được triển khai trên 15 tỉnh, thành. Ban đầu, tài liệu này được xây dựng để truyền thông thay đổi hành vi nhằm phòng chống cúm gia cầm và các bệnh truyền nhiễm mới nổi khác, nhưng cho đến nay, bộ tài liệu đã được ứng dụng trong phạm vi rộng hơn, kể cả những nội dung về vệ sinh môi trường, chăm sóc sức khỏe phụ nữ và trẻ em cũng như kỹ năng làm cha mẹ. Hội Nông dân Việt Nam cũng sử dụng mô hình tập huấn truyền thông này tại 28 trường dạy nghề trong hệ thống của Hội.

Hiện cán bộ y tế và nông nghiệp của trung ương và tỉnh, các tổ chức xã hội dân sự cũng như khối tư nhân cũng đang ứng dụng các mô hình do dự án xây dựng. Các mô hình này giải quyết các vấn đề như tách riêng gia cầm sống ở các chợ dân sinh, tập huấn an toàn sinh học cho nông dân chăn nuôi thông qua hệ thống khuyến nông, cải thiện điều kiện an toàn vệ sinh tại các cơ sở giết mổ tập trung, quy mô nhỏ.

Nhiều cơ quan y tế và nông nghiệp cấp trung ương và cấp tỉnh, các tổ chức dân sự xã hội và khối tư nhân đã áp dụng mô hình do dự án xây dựng vì đây là các mô hình có tính thực tế, hiệu quả và chi phí thấp nhằm giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm cúm gia cầm và các bệnh truyền nhiễm mới nổi khác ở động vật và con người.

Ngoài ra, các mô hình này cũng giải quyết các vấn đề về kiểm dịch các sản phẩm gia cầm, lập kế hoạch ứng phó đại dịch trong tỉnh và kiện toàn mạng lưới giám sát dịch bệnh trên người và động vật tại cộng đồng.

Các đại biểu tham dự tại hội thảo nhất trí đánh giá cao về dự án USAID/APII, kết thúc trong tháng tới, là một phần quan trọng trong hỗ trợ của Hoa Kỳ đối với các nỗ lực phòng chống dịch bệnh của Chính phủ Việt Nam. Với các nỗ lực này, chủng cúm gia cầm mới và nguy hiểm H5N1 nhìn chung đã được kiểm soát đối với các ca nhiễm bệnh ở gia cầm và người.

Nhấn mạnh về hoạt động trong 4 năm thực hiện của dự án (2009-2013), bà Laurel Fain-Giám đốc Phòng Y tế của Cơ quan phát triển Quốc tế Hoa Kỳ, cho hay: “Các bên đối tác sẽ tiếp tục hợp tác cùng nhau thông qua cách tiếp cận ‘một sức khỏe,’ một sáng kiến liên kết cán bộ y tế và cán bộ thú y để giảm thiểu nguy cơ cúm gia cầm, các đại dịch và các bệnh truyền nhiễm mới nổi khác./.

Thanh Tâm (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục