Hơn 200.000 nhân viên công nghệ cao mất việc trong 4 tháng

Tiếp theo làn sóng cắt giảm nhân công trong ngành sản xuất xe hơi, ngành công nghệ cao, một trong những lĩnh vực đang ngày càng phát triển, cũng trở thành nạn nhân của cuộc khủng hoảng kinh tế.

Tiếp theo làn sóng cắt giảm nhân công trong ngành sản xuất xe hơi, ngành công nghệ cao, một trong những lĩnh vực đang ngày càng phát triển, cũng trở thành nạn nhân của cuộc khủng hoảng kinh tế.
 
Chuyên mục Kinh tế của tờ Le Figaro số ra ngày 9/2 cho biết từ tháng 10/2008 đến nay, hơn 40 tập đoàn và công ty điện tử, viễn thông và tin học hàng đầu thế giới đã phải cắt giảm 204.450 nhân công, giảm trung bình 0,6% tổng số nhân viên làm việc trong các công ty này. Trong đó, cắt giảm mạnh nhất là tập đoàn sản xuất chíp điện tử Spansion với 43% và ít nhất là tập đoàn Sanyo với 1,2%.
 
Tình trạng cung lớn hơn cầu đang diễn ra trên toàn thế giới, khiến việc cắt giảm nhân công diễn ra ở hầu hết các nước, đặc biệt là khu vực Bắc Mỹ. Do không thể chống chọi với việc nhu cầu sụt giảm trong bối cảnh khủng hoảng, các tập đoàn Mỹ, đứng đầu trong thế giới công nghệ cao, đã phải cắt giảm nhiều nhân công nhất.
 
Các tập đoàn chuyên về máy vi tính như HP hay phần mềm như Microsoft là những tập đoàn đầu tiên thông báo kế hoạch cắt giảm nhân công và trợ giúp xã hội. Intel, nhà sản xuất thiết bị vi dẫn hàng đầu thế giới, cũng đã công bố quyết định đóng cửa 6 nhà máy, khiến 5.000 thậm chí 6.000 nhân viên có thể bị mất việc.

Ngay cả các tập đoàn điện tử của Nhật Bản cũng buộc phải điều chỉnh nhân sự trong các dây chuyền sản xuất, do nhu cầu thiết bị nghe nhìn điện tử trên thế giới giảm mạnh, khiến hàng hoá phải bán với giá "bèo bọt" và do đồng yên mất giá trầm trọng. Công ty NEC đã phải cắt giảm 1/2 số công nhân làm việc để tránh nguy cơ phá sản.
 
Tuy nhiên, trong hoàn cảnh khó khăn như vậy vẫn còn những kẻ sống sót. Ở Hàn Quốc, hai tập đoàn khổng lồ trong lĩnh vực này, Samsung Electronics và LG, cho đến nay vẫn chưa phải cắt giảm nhân công nhờ kịp thời điều chỉnh sản xuất, kể từ sau khi đồng won bị mất giá hồi năm 1997 kéo theo một làn sóng thất nghiệp mạnh mẽ trong lĩnh vực này.

Thậm chí, tập đoàn Apple của Mỹ và Nitendo của Nhật vẫn "gặt hái" đều đặn nhờ các sản phẩm nổi tiếng vẫn đang thu hút ngày càng nhiều khách hàng. Tuy nhiên, điều này cũng không làm cho tình hình thị trường công nghệ cao của thế giới sáng sủa hơn và số nhân công thất nghiệp sẽ tăng thêm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục